Nhiều ngày nay, việc thu mua, vận chuyển hàng hóa nông sản từ các vùng nguyên liệu ở miền Tây, miền Đông Nam Bộ về TP.HCM bị ách tắc vì dịch COVID-19. Nhiều nguyên liệu có trong gói bột nêm của mì ăn liền như hành lá, tiêu… cũng không nằm ngoài sự ách tắc này.

mi tom
Doanh nghiệp sản xuất mì gói gặp khó vì thiếu… hành lá. (Ảnh minh họa)

Báo chí nhà nước hôm 2/8 dẫn lời bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết thời gian qua tại TP.HCM, có thời điểm khó mua được mì gói, trong khi đây là mặt hàng thiết yếu có thể để được lâu và khá tiện lợi trong mùa dịch COVID-19.

Một số nhóm thiện nguyện có nhu cầu mua mì gói với số lượng nhiều từ vài chục đến hơn trăm thùng để trao tặng cũng cho biết phải báo trước số lượng để cửa hàng chuẩn bị.

Theo bà Chi, mỗi năm các doanh nghiệp tại TP.HCM cũng như doanh nghiệp thuộc hiệp hội sản xuất trên 6 tỷ gói mì ăn liền.

Tuy nhiên, nghịch lý đang xảy ra trong nhiều ngày nay là việc thu mua, vận chuyển hàng hóa nông sản từ các vùng nguyên liệu ở miền Tây, miền Đông Nam Bộ về TP.HCM bị ách tắc vì dịch COVID-19.

Nhiều nguyên liệu có trong gói bột nêm của mì ăn liền như hành lá, tiêu… cũng không nằm ngoài sự ách tắc này.

Bà Chi cho hay cánh đồng hành lá của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất gần TP.HCM nhưng khó đưa về. Thương lái không thể gom hành mang lên nhà máy vì không thuê được xe, vì thắt chặt kiểm soát ra vào, theo báo Dân Việt.

“Một số doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền đã phải thu hẹp sản xuất chỉ vì thiếu hành lá. Trong thành phần công bố có phụ liệu này, nếu tự ý bỏ qua bất kỳ thành phần nào, đến khi cơ quan quản lý phát hiện sẽ bị xử phạt” – bà Chi nói trên báo Người Lao Động.

Bà Chi đưa ra thực trạng, trong đợt dịch COVID-19 này, các nhà cung cấp nguyên liệu sẽ phải dừng hoạt động vì có thể xuất hiện ca F0 bất cứ lúc nào. Nếu doanh nghiệp không nhập được một loại nguyên liệu nào đó thì khả năng phải ngừng hoạt động; hàng hóa tiêu dùng lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ bị thiếu.

Do đó, để không xảy ra việc phải ngừng sản xuất, bà Chi cho biết các doanh nghiệp đề xuất “đối với các loại nguyên liệu phụ như gia vị, hương liệu, phụ gia… cơ quan quản lý cần cho phép họ tìm loại khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà không ảnh hưởng đến chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm, đặc biệt sự điều chỉnh này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và chỉ diễn ra tạm thời trong thời gian ngắn”.

Lý giải đề xuất này, bà Chi nói theo Luật An toàn Thực phẩm và các quy định liên quan, với những điều chỉnh trên, doanh nghiệp cần phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm và thay đổi bao bì hiện tại.

“Thông thường, việc này mất khá nhiều thời gian và trong thời điểm này sẽ càng mất nhiều thời gian hơn, nếu in lại bao bì chi phí phát sinh sẽ rất lớn, bao bì cũ còn nhiều phải bỏ sẽ rất lãng phí. Như vậy, nguy cơ các doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất là rất cao”, theo bà Chi.

Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM kiến nghị thành phố cần lắng nghe và giải quyết khó khăn một cách nhanh chóng cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, bởi các vấn đề doanh nghiệp đối mặt trong lúc này là liên tục. Việc này cũng nhằm khơi thông cho hàng hóa trong bối cảnh hiện nay.

Trước đó, theo quy định của UBND TP.HCM, từ ngày 15/7, doanh nghiệp được phép hoạt động khi đáp ứng một trong hai điều kiện: doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” gồm sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ hoặc doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường – 2 địa điểm”, chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Đến ngày 23/7, có 618 doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao tại thành phố đã đăng ký hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ” với tổng số 57.507 lao động.

Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông V.P., tổng giám đốc doanh nghiệp đang có gần 6.000 lao động may mặc với các nhà máy đặt ở TP.HCM, Bình Dương và Long An, cho hay áp lực mà doanh nghiệp đang đối mặt vô cùng căng thẳng.

“Cả ba nhà máy chúng tôi đều đang áp dụng sản xuất 3 tại chỗ, chưa phát hiện ca nhiễm. Vì các đơn hàng đang làm đều thuộc diện không thể trì hoãn giao do đã được đối tác dời lại vài lần, nên việc tổ chức sản xuất tại chỗ đều được thực hiện theo đúng quy định hướng dẫn.

Nhưng chúng tôi rất lo vì chỉ cần có một ca nhiễm là mọi thứ lập tức bị đình lại. Mà chúng tôi làm sao biết ca nhiễm khi nào xuất hiện để mà phòng tránh, để thực hiện cam kết với chính quyền địa phương?”, ông V.P. băn khoăn.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Doanh nghiệp không thu mua sữa, nông dân miền Tây phải đổ bỏ hàng chục lít/ngày