Ban Quản lý dự án Điện 2 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN) đã ký hợp đồng 2 gói thầu thi công, xây lắp truyền tải điện phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam hôm 31/3. Theo đó, Việt Nam dự kiến sẽ nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy Thủy điện Nam Kong 1,2,3 và Nam Emoun (Lào).

nha may thuy dien namkong 2 viet nam nhap khau dien tu Lao EVN nhap khau dien tu Lao 1
Việt Nam dự kiến nhập khẩu điện từ Lào thông qua hai cụm Nhà máy Thủy điện Nam Kong 1,2,3 và Nam Emoun (Ảnh: Nhà máy Thủy điện Nam Kong 2/hobomaps.com)

EVN cho biết để phục vụ nhu cầu nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, Ban Quản lý dự án Điện 2 (thuộc EVN) đã tổ chức ký các hợp đồng hôm 31/3, tại Hà Nội gồm: Hợp đồng “Cung cấp thiết bị, thi công xây lắp công trình, thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị dự án Trạm cắt 220kV Bờ Y và các đường dây 220kV đấu nối từ cụm Nhà máy Thủy điện Nam Kong 1,2,3 (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam” và hợp đồng “Thiết kế, cung cấp hàng hóa, xây lắp (EPC) dự án Trạm cắt 220kV Đăk Ooc và các đường dây 220kV đấu nối từ Nhà máy Thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam”. Cụ thể:

Dự án Trạm cắt 220kV Bờ Y và các đường dây 220kV đấu nối từ cụm nhà máy thủy điện Nam Kong 1,2,3 (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam, xây dựng tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng và đóng điện vào quý 4/2022. Trong đó, Trạm cắt 220kV Bờ Y gồm 10 ngăn 220kV, trong giai đoạn này lắp đặt 5 ngăn xuất tuyến và 1 ngăn máy cắt liên lạc.

Dự án Trạm cắt 220kV Đăk Ooc và các đường dây 220kV đấu nối từ Nhà máy thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam, xây dựng tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng và đóng điện vào quý 1/2023.

Cả hai dự án trên đều do EVN làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án Điện 2 được EVN giao thay mặt chủ đầu tư thực hiện công tác quản lý dự án.

Trước thời điểm ký hợp đồng trên, ngày 30/3, EVN đã phát đi thông báo kêu gọi người dân tiết kiệm điện khi toàn mạng lưới điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than và có nguy cơ thiếu điện từ tháng 4 trở đi. Nguyên nhân là do các nhà máy nhiệt điện than không được cung cấp đủ lượng than như hợp đồng đã ký kết.

Theo EVN, trong quý 1/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng tỷ lệ 76,7%). Do vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

Năm 2016, Việt Nam và Lào đã ký văn bản ghi nhớ về khả năng hợp tác trao đổi, mua bán điện giữa hai bên. Theo đó, hai bên thỏa thuận sơ bộ đến năm 2020, Lào có thể xuất khẩu 1.000 MW cho Việt Nam; năm 2025 có thể xuất khẩu 3.000 MW và đến năm 2030 có thể xuất khẩu 5.000 MW, theo RFA Tiếng Việt.

Thanh Minh