Vượt qua Hàn Quốc trong năm ngoái, Trung Quốc tiếp tục nổi lên là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu hàng hóa lớn nhất, với 59,7 tỷ USD sau 11 tháng năm 2018.

container logistics shutterstock 1030957732
Trung Quốc là một trong số các thị trường Việt Nam bị thâm hụt thương mại nhiều nhất. (Ảnh: Shutterstock)

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng của Việt Nam ước đạt 223,63 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,7 tỷ USD, tăng 15% và chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đồng thời, đây cũng là thị trường Việt Nam đạt được thặng dư thương mại lớn nhất, với gần 32 tỷ USD.

Tiếp theo là EU: xuất khẩu đạt 38,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 12,6 tỷ USD. Tính chung, Việt Nam đạt được thặng dư thương mại với khối châu Âu là 25,6 tỷ USD sau 11 tháng.

Thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của Việt Nam là Trung Quốc, đạt 38,1 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia láng giềng cũng ở mức cao, với 59,7 tỷ USD. Dẫn đến thâm hụt thương mại lên tới -21,6 tỷ USD, trở thành một trong số các thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất.

Trong khi đó, Hàn Quốc là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều thứ hai sau Trung Quốc, với 43,5 tỷ USD, trong khi xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt 16,9 tỷ USD. Tính chung, Việt Nam thâm hụt -26,6 tỷ USD với Hàn Quốc.

Đối với ASEAN và Nhật Bản, cán cân thương mại bị thâm hụt lần lượt -6,3 tỷ USD và -0,4 tỷ USD.

can can thuong mai cac nuoc

Xét về tổng thể nền kinh tế, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng qua đạt 216,82 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017. Mức nhập khẩu này thấp hơn 6,8 tỷ USD so với giá trị xuất khẩu của cả nền kinh tế.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu -23,4 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 30,2 tỷ USD.

Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn chủ yếu là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 38,7 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 30,7 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 14,4 tỷ USD; vải đạt 11,8 tỷ USD; xăng dầu đạt 7,3 tỷ USD…

Về các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiếp tục xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 46 tỷ USD, tăng 11,5%; hàng dệt may đạt 27,8 tỷ USD, tăng 17,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27 tỷ USD, tăng 13,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15 tỷ USD, tăng 28,6%; giày dép đạt 14,5 tỷ USD, tăng 9,9%.

Bên cạnh đó, TCTK cho biết kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản trong thời gian qua cũng tăng khá: Thủy sản đạt 8 tỷ USD, tăng 6,1%; rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6%; cà phê đạt 3,3 tỷ USD, tăng 2,9% (lượng tăng 23%); gạo đạt 2,9 tỷ USD, tăng 16,8%.

Riêng dầu thô tính chung 11 tháng tiếp tục giảm mạnh cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu, khi chỉ đạt 2,1 tỷ USD, giảm 20,4% và giảm tới 42,5% về lượng.

Tường Văn

Xem thêm: