Cơ quan tham mưu của Chính phủ dự báo năm 2020, cả nước sẽ xảy ra tình trạng mất điện cục bộ, từ năm 2021 sẽ thiếu điện nghiêm trọng nếu không có giải pháp về nguồn cung điện.

việt nam thiếu điện
Một kỹ thuật viên đang sửa chữa hoặc kiểm tra mạng điện lộn xộn ở TP.HCM, ngày 8/7/2019. (Ảnh: Evgenii Mitroshin/Shutterstock)

Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển Điện lực vừa có báo cáo tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII) điều chỉnh đến quý 3/2019.

Thiếu điện nghiêm trọng từ năm 2021-2025

Báo cáo cho biết các năm 2019-2020, hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, do hệ thống điện gần như không có dự phòng nguồn điện nên trong năm 2020 có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan (như nhu cầu dùng điện cao hơn dự báo; lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém; nhiên liệu than, khí cho phát điện thiếu hụt so với dự kiến).

Trong giai đoạn 2021-2025, sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân là 26,5 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên, do nhiều dự án nguồn điện lớn và các chuỗi dự án khí bị chậm tiến độ so với quy hoạch nên hệ thống sẽ bị thiếu điện trong cả 5 năm này.

Đáng chú ý, kịch bản này vẫn xảy ra ngay cả khi huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu (mức giá 5.000-6.000 đồng/số tùy giá dầu thời điểm phát điện).

Mức thiếu hụt điện tại miền Nam dự báo tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022), mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ kWh năm 2025.

Thiếu điện do các dự án chậm tiến độ?

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa bao gồm các dự án năng lượng tái tạo).

Báo cáo cho biết hiện nay, trong 62 dự án nguồn điện, công suất lớn trên 200 MW, 15 dự án đạt tiến độ, 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Đáng chú ý, nhiều dự án bị chậm tiến độ có chủ đầu tư là các tập đoàn nhà nước lớn. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao đầu tư 24 dự án với tổng công suất hơn 15,2 nghìn MW trong giai đoạn 2016-2030 (giai đoạn 2016-2020 cần hoàn thành 14 dự án với tổng công suất trên 7,1 nghìn MW). Trong tổng số 24 dự án, 9 dự án đã phát điện, 15 dự án đang ở bước đầu tư xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư. Trong 15 dự án đang triển khai, dự kiến 6 dự án đúng tiến độ, 9 dự án chậm tiến độ.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao làm chủ đầu tư 8 dự án với tổng công suất 11,4 nghìn MW, trong đó giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án. Hiện cả 8 dự án đều không thể hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện 4 dự án với tổng công suất gần 3.000 MW, trong đó, giai đoạn 2016-2020 có 2 dự án và giai đoạn 2021-2030 có 2 dự án. Hiện nay, cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên.

Ngoài ra, nhiều nhà máy trong số 19 nhà máy nhiệt điện BOT với tổng công suất 24 nghìn MW cũng đối diện nguy cơ chậm tiến độ.

EVN: Huy động nhiệt điện chạy dầu hoặc tăng nguồn cung từ năng lượng tái tạo

Đối với tình trạng thiếu điện triền miên được dự báo từ năm 2021-2025, báo cáo của Ban chỉ đạo nhắc đến 2 phương án do EVN xây dựng, tính toán.

Cụ thể, phương án 1: Cân đối cung cầu điện cho giai đoạn 2021-2025 theo tiến độ các dự án như hiện nay.

Ở kịch bản này, sẽ phải huy động tối đa tất cả các nguồn điện trên hệ thống, trong đó các nguồn nhiệt điện chạy dầu dự kiến phải huy động trong cả giai đoạn 2020-2025 với sản lượng lên tới 5-10 tỷ kWh/năm (cao nhất là năm 2023 với sản lượng khoảng 10,5 tỷ kWh). Trong đó, điện chạy dầu có mức giá khá cao, ở mức 5.000-6.000 đồng/số tùy thời điểm.

Mặc dù vậy, hệ thống vẫn lâm cảnh thiếu điện từ các năm 2021-2024. Mức thiếu hụt năm 2021 là 6,3 tỷ kWh, và đỉnh điểm là năm 2022 với 8,9 tỷ kWh, năm 2023 là 6,8 tỷ kWh, sau đó giảm còn 1,2 tỷ đến năm 2024. Đến năm 2025 sẽ không thiếu điện.

Đối với phương án 2, EVN tính toán tăng nguồn cung từ năng lượng tái tạo.

Tổng công suất các nguồn điện gió toàn quốc dự báo đến năm 2023 khoảng 6.000 MW và tổng công suất nguồn điện mặt trời đến năm 2023 khoảng 16.000 MW.

Theo phương án đưa ra, tổng công suất các nguồn điện gió cần khuyến khích đưa vào vận hành thêm từ nay đến năm 2023 khoảng 5.700 MW, nguồn điện mặt trời xấp xỉ 11.400 MW.

“Với giải pháp bổ sung thêm nguồn điện từ nhà máy điện Hiệp Phước và tăng thêm nguồn năng lượng tái tạo, hệ thống có thể đáp ứng đủ điện và không phải huy động các nguồn nhiệt điện dầu trong giai đoạn 2021-2025”, báo cáo cho hay.

Theo đó, 2 phương án trên thực chất là việc tăng nguồn cung trong khi tiến độ các dự án vẫn duy trì như hiện nay. Việc tăng nguồn cung từ nhiệt điện chạy dầu và năng lượng tái tạo có thể làm cho mức giá dùng điện tăng lên do chi phí sản xuất điện chạy dầu đắt đỏ và việc xây dựng lưới điện truyền tải cần thời gian đầu tư lâu hơn các dự án điện mặt trời.

Đảm bảo tiến độ các dự án, tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào

Báo cáo do Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển Điện lực gửi Chính phủ tháng 6/2019 nêu một số giải pháp để đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025.

Về nguồn cung điện, yêu cầu các chủ đầu tư phải đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện lớn trong giai đoạn 2021-2025, gồm: Nhiệt điện BOT Hải Dương (hoàn thành năm 2021), Nhiệt điện BOT Duyên Hải 2 (2022), Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2023); Nhiệt điện Sông Hậu 1 (PVN – 2021), Nhiệt điện Thái Bình 2 (PVN – 2022), Nhiệt điện Long Phú 1 (PVN-2023), Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (PVN – 2023-2024).

Đảm bảo tiến độ của khí Cá Voi Xanh và cụm Nhiệt điện miền Trung vận hành các năm 2023-2024.

Yêu cầu TKV và Tổng công ty Đông Bắc tăng khai thác, tăng khả năng cấp than cho sản xuất điện, đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu việc các đơn vị phát điện được mua than nhập khẩu.

Yêu cầu PVN tiếp tục tìm kiếm các nguồn khí mới để thay thế bổ sung cho các nguồn khí hiện hữu tại khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Trong trường hợp thực sự cần thiết, xem xét việc đề nghị các khách hành sử dụng nguồn diesel/máy phát điện dự phòng để đảm bảo cung cấp điện.

Tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào, đồng thời bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện 220 kV liên quan đến mua điện nhập khẩu. Xem xét, chấp thuận để EVN ký hợp đồng mua điện với các chủ đầu tư các NM thủy điện tại Lào với giá điện đã được được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cho phép EVN nghiên cứu phương án thuê, hoặc mua điện của các nhà máy điện nổi (dùng nhiên liệu LNG) để có thể bổ sung nguồn cấp ngay từ năm 2021.

Đối với việc kiểm soát nhu cầu phụ tải, tăng cường tiết kiệm điện, triển khai các chương trình kiểm toán năng lượng, tăng cường thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM), ưu tiên tại khu vực miền Nam; khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái, đặc biệt khu vực phía Nam để giảm áp lực nguồn cung.

Đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án điện, đặc biệt đối với các dự án nguồn điện trọng điểm, các dự án lưới điện truyền tải quan trọng để giải tỏa công suất các trung tâm điện lực.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển Điện lực đưa ra các kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, như chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc của các dự án NĐ Thái Bình 2, Long Phú 1; Chỉ đạo UBND các tỉnh ủng hộ việc đầu tư các dự án nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đẩy sớm tiến độ hoàn thành…

Ngoài ra, đề nghị cho phép các ngân hàng thương mại trong nước cho EVN và các đơn vị vay vốn để đầu tư các dự án điện được phép vượt các quy định về giới hạn tỷ lệ an toàn tín dụng; Cho phép các dự án điện thuộc trường hợp công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp hoặc các công trình xây dựng nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện chỉ phải xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ mà không phải thực hiện các thủ tục lập, thẩm định, quyết định, hoặc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch…

Vĩnh Long

Xem thêm: