Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính từ đầu năm đến ngày 15/9, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 4,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 265,3 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

gia phan bon tang manh gia phan bon tang cao doanh nghiep phan bon lai manh quy 1 2022 baolongan.vn
Tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc khi các mặt hàng như gạo, dệt may, thủy sản,… đều tăng trưởng so với cùng kỳ. (Ảnh: baolongan.vn)

Báo cáo sơ bộ kỳ 1 tháng 9 (từ ngày 1-15/9) của Tổng cục Hải quan cho thấy trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đạt 12,75 tỷ USD, giảm 35,3% (tương ứng giảm 6,9 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 8/2022.

Một số nhóm hàng giảm như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 1,17 tỷ USD, tương ứng giảm 38,2%; điện thoại các loại & linh kiện giảm 1,07 tỷ USD, tương ứng giảm 31,5%; hàng dệt may giảm 980 triệu USD, tương ứng giảm 44,8%,…

Tính đến hết ngày 15/9/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 265,3 tỷ USD, tăng 17,8%, tương ứng tăng 40,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 195 tỷ USD, tăng 18%, tương ứng tăng 29,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 260,7 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 31,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 10,3 tỷ USD, tương ứng tăng 20,7%; xăng dầu các loại tăng 3,6 tỷ USD, tương ứng tăng 132,6%; than các loại tăng 2,7 tỷ USD, tương ứng tăng 95,2%… so với cùng kỳ.

Tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 169,8 tỷ USD, tăng 13,5% (tương ứng tăng 20,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 65,1% tổng nhập khẩu của Việt Nam.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo năm 2022 có thể tăng thêm khoảng 200.000 tấn, đạt mức từ 6,3-6,5 triệu tấn gạo. Tính trong 8 tháng đầu năm, lượng gạo Việt Nam xuất ra nước ngoài đạt gần 4,8 triệu tấn, trị giá hơn 2,3 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 8/2022, giá trị xuất khẩu hàng dệt may lần đầu đạt 4 tỷ USD. Các thị trường chính đều tăng trưởng trên 20% như: Mỹ, châu Âu (EU), Nhật, Hàn,… Bên cạnh đó, Việt Nam chủ yếu phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào khi gần 52% nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đức Minh