Sau gần 7 năm kể từ chuyến bay đầu tiên vào ngày 25/12/2011, Vietjet Air đã đạt được 43% thị phần hàng không nội địa vào cuối năm 2017, đưa Vietjet Air trở thành hãng hàng không dẫn đầu Việt Nam.

Vietjet Air

Mặc dù đối diện nhiều scandal từ chiến lược quảng cáo với hình ảnh nhạy cảm, cuộc tiếp đón U23 Việt Nam gây phản cảm… doanh thu của hãng hàng không Vietjet Air vẫn tăng trưởng ấn tượng (+54%) trong năm 2017 với doanh thu thuần đạt hơn 42.300 tỷ đồng, lợi nhuận tăng hơn gấp đôi so với năm 2016 lên hơn 5.000 tỷ đồng.

Vietjet Air
Số liệu được làm tròn đến hàng “tỷ đồng”. (Nguồn: BCTC Vietjet Air)

Theo khu vực địa lý, phần lớn doanh thu của Vietjet Air là đến từ các điểm đến ngoài Việt Nam. Cụ thể, trong quý 1/2018 khu vực này mang lại cho Vietjet Air gần 8.450 tỷ đồng, chiếm hơn 67% tổng doanh thu và tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, doanh thu từ các điểm đến trong nước nước không có nhiều đột biến.

Vietjet Air
Số liệu được làm tròn đến hàng “tỷ đồng”. (Nguồn: BCTC Vietjet Air)

Vietjet Air thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011, tại những năm đầu hoạt động, doanh thu của hãng hàng không chủ yếu nhờ vào thị trường nội địa, nhưng từ năm 2015 trở đi, cơ cấu doanh thu đã dịch chuyển ngày càng mạnh sang khu vực ngoài Việt Nam và tạo nên khoảng cách chênh lệch khá xa khi doanh thu đạt gấp đôi so với thị trường trong nước trong năm 2017.

Nhờ chuyển biến tích cực đó, khoảng cách về thị phần giữa hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air đã nhanh chóng được thu hẹp, san bằng trong năm 2016 và chính thức vượt mặt Vietnam Airlines trong năm 2017.

Vietjet Air
(Nguồn số liệu được tổng hợp từ internet)

Theo báo cáo tài chính mới nhất của Vietjet Air, doanh thu từ hoạt động vận chuyển hành khách của Vietjet Air chiếm 48% tổng doanh thu quý 1/2018, còn lại là doanh thu đến từ hoạt động chuyển nhượng, cho thuê máy bay và hoạt động phụ trợ khác.

Tổng nguồn vốn của Vietjet Air tính đến thời điểm 31/3/2018 là 32.390 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 20.870 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 11.520 tỷ đồng.

Doanh thu của Vietjet Air trong quý 1/2018 cũng tăng trưởng ấn tượng với 12.560 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với mức 5.106 tỷ đồng trong quý 1/2017. Lợi nhuận Vietjet Air đạt gần 1.370 tỷ đồng, tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Về triển vọng thị trường hàng không trong năm 2018, Vietjet Air đưa ra dự báo thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 20% và vượt mốc 100 triệu lượt khách vào năm 2020.

Trái với triển vọng lợi nhuận tăng cao của Vietjet Air, Vietnam Airlines gần đây phải đối mặt với nhiều sự cố và không mấy lạc quan về triển vọng lợi nhuận trong năm nay.

Cụ thể, Vietnam Airlines đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm đến 28%, chỉ còn khoảng hơn 1.900 tỷ đồng trong năm 2018 – mức thấp hơn khá nhiều so với đối thủ cạnh tranh.

Chân Hồ

Xem thêm: