Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với khoản lỗ 2.621 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế của doanh nghiệp này lên 24.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).

vietnam airlines, covid-19
Tại thời điểm ngày 31/3/2022, Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu và đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết. (Ảnh minh họa: Vytautas Kielaitis/Shutterstock)

Ngày 20/5, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022. Theo đó, Vietnam Airlines tiếp tục báo lỗ quý 1/2022 là 2.621 tỷ đồng (quý thứ 9 liên tiếp báo lỗ), nâng mức lỗ lũy kế của Vietnam Airlines lên hơn 24.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).

Về doanh thu quý 1, Vietnam Airlines đạt 11.620 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất kể từ quý 2/2020, thời điểm dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) bùng phát và ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.

Dù doanh thu tăng nhưng giá vốn bán hàng vẫn cao hơn khiến hãng hàng không này lỗ gộp gần 1.600 tỷ đồng.

Với tình trạng thua lỗ nặng, Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) theo quy định.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines) trong diện kiểm soát giao dịch từ ngày 3/11/2021. Trong 3 tháng gần đây, giá HVN liên tục giảm từ mức 27.300 đồng/cổ phiếu xuống còn 18.400 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày hôm qua 20/5), tương đương rớt gần 33% giá trị.

Theo lý giải của Vietnam Airlines, 3 tháng đầu năm 2022, thị trường quốc tế không có nhiều khách đến Việt Nam du lịch, cộng thêm ảnh hưởng của cuộc chiến của Nga tại Ukraine, giá nhiên liệu bay tăng đã khiến hoạt động của doanh nghiệp này gặp khó khăn.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước không chấp thuận công văn xin lùi thời điểm công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 của Vietnam Airlines. Theo quy định, doanh nghiệp này phải công bố báo cáo tài chính quý 1 chậm nhất là ngày 30/4.

Tại thời điểm ngày 31/3/2022, Vietnam Airlines đã lỗ lũy kế hơn 24.500 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này hiện đang âm 2.160 tỷ đồng.

Theo quy định tại Nghị định 155, doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ; hoặc âm vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất tại thời điểm xem xét. Tuy vậy, căn cứ để xem xét hủy niêm yết là báo cáo tài chính kiểm toán cả năm.

Đức Minh