Ngày 15/9, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và China Southern Airlines (Trung Quốc) đã ký kết thỏa thuận hợp tác có hiệu lực từ tháng 9 năm nay. Hai hãng bay này cho biết sẽ ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ của nhau trên cơ sở đảm bảo tiêu chí về chất lượng dịch vụ.

Vietnam Airlines lỗ quý thứ 10 liên tiếp 660078817
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines lỗ 5.100 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 4.900 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: EQRoy/Shutterstock)

Trong bối cảnh Vietnam Airlines vừa bị Sở giao dịch Chứng khoán (HoSE) cảnh báo về nguy cơ hủy niêm yết khi tiếp tục âm vốn chủ sở hữu gần 4.900 tỷ đồng, lỗ luỹ kế gần 28.900 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 36.400 tỷ đồng,… hãng bay Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với China Southern Airlines của Trung Quốc.

Cụ thể, hai hãng sẽ tìm kiếm cơ hội và tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực bao gồm thương mại, dịch vụ, kỹ thuật,… góp phần nâng cao trải nghiệm bay.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng ký kết hợp tác toàn diện với China Southern Airlines, một trong những hãng hàng không lớn nhất tại Trung Quốc.”, báo Quân Đội Nhân Dân đưa tin.

Hợp tác này còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Trung Quốc và Việt Nam, ông Hà cho biết.

Liên quan đến tình hình tài chính của Vietnam Airlines, Kiểm toán Deloitte nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines và cho biết hãng bay này sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.

Trong đó bao gồm cả việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.

Để đối phó, Vietnam Airlines cho biết hãng đã ký hợp đồng vay và được giải ngân 4.000 tỷ đồng, thời hạn trả nợ có thể kéo dài đến năm 2024.

Ngoài ra, công ty đang đàm phán thêm với các ngân hàng để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Đến giữa năm, tổng hạn mức Vietnam Airlines đã ký với các nhà băng khoảng hơn 18.500 tỷ đồng, trong đó phần chưa sử dụng khoảng 10.300 tỷ đồng.

Năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã triển khai gói “giải cứu” 12.000 tỷ đồng (Nghị quyết 194) dành cho Vietnam Airlines. Trong đó, bao gồm 4.000 tỷ đồng là Vietnam Airlines được vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại; 8.000 tỷ đồng từ việc phát hành 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua lượng cổ phiếu của Vietnam Airlines trong đợt này với giá trị khoảng 6.880 tỷ đồng.

Sau phương án giải cứu trên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines, chiếm 55,2% vốn; tiếp đến là SCIC có 31,14% cổ phần, Tập đoàn Hàng không ANA (Nhật Bản) chiếm 5,62% và một số cổ đông nhỏ khác chiếm 8,04% còn lại.

Đức Minh