Với kết quả 12 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp và âm vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỷ đồng, Hãng Hàng không Vietnam Airlines muốn bán vốn chủ sở hữu tại Công ty Nhiên liệu Hàng không Skypec (vốn nhà nước) để bù lỗ, nhưng khả năng bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE của doanh nghiệp này vẫn còn “treo lơ lửng”.

hang khong vietnam vietnam airlines VNA 2072391500
Vietnam Airlines muốn bán vốn tại Công ty Skypec để giảm lỗ lũy kế, hiện ở mức hơn 34.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Duc Huy Nguyen/Shutterstock)

Vietnam Airlines vừa gửi thư mời đến các đơn vị quan tâm tham gia chào giá cung cấp dịch vụ “Tư vấn lập và triển khai phương án chuyển nhượng vốn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam tại Công ty Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec)”. Qua đó, doanh nghiệp này bày tỏ mong muốn bán Skypec trong thời gian tới.

Thời hạn muộn nhất để các đơn vị gửi hồ sơ tham gia chào giá cung cấp gói dịch vụ nói trên là 16h ngày 8/2. Tổ Triển khai chuyển nhượng vốn của Vietnam Airlines tại Skypec là đơn vị tiếp nhận hồ sơ.

Được biết, Skypec (tiền thân là Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam) thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1993, chính thức hoạt động theo mô hình TNHH một thành viên từ ngày 1/7/2010, với số vốn điều lệ 400 tỷ đồng do Vietnam Airlines là chủ sở hữu.

Hiện công ty mẹ Vietnam Airlines đang nắm 100% vốn tại Skypec. Tổng giám đốc Vietnam Airlines – ông Lê Hồng Hà đồng thời là Chủ tịch hội đồng thành viên của Skypec.

Skypec đang cung cấp nhiên liệu cho tất cả các hãng hàng không nội địa Việt Nam và hơn 100 hãng hàng không nước ngoài tại 18 sân bay dân dụng trên cả nước, trong đó có nhiều khách hàng như: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, Bamboo Airways, Korean Air, Qatar Airways,…

Công ty này có khả năng phục vụ trên 214.000 chuyến bay/năm với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 2 triệu tấn.

Giai đoạn “vàng” năm 2016 – 2018, doanh thu của Skypec tăng trưởng khoảng 40% mỗi năm. Skypec ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất vào năm 2019 với doanh thu hơn 29.200 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 650 tỷ đồng, chiếm tới 30% tỷ trọng doanh thu của Vietnam Airlines.

Theo định hướng tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, Vietnam Airlines cho biết sẽ chuyển nhượng vốn tại các công ty, trong đó có Skypec để cải thiện dòng tiền, từng bước xóa lỗ lũy kế (tính hết quý 4/2022, tổng lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng).

Hôm 2/2/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã tiếp tục có văn bản lưu ý về khả năng hủy niêm yết đối với cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines.

Theo Nghị định 155/2020 quy định: Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Vietnam Airlines nhiều khả năng sẽ vướng vào cả 3 kịch bản hủy niêm yết kể trên. Kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào những con số trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022, dự kiến được Vietnam Airlines công bố chậm nhất vào cuối tháng 3 sắp tới.

Theo thông tin từ doanh nghiệp, Skypec sở hữu hệ thống kho cảng đầu nguồn tại các cảng biển lớn và kho sân bay tại 18 sân bay dân dụng trên toàn quốc, với sức chứa khoảng 220.000 m3.

Hệ thống 8 kho đầu nguồn trải dài từ miền Bắc, Trung, Nam giúp cho Skypec luôn đảm bảo lượng hàng cũng như điều vận hàng hóa cho các kho sân bay. Skypec hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có đầy đủ cơ sở vật chất, kho bể tại tất cả 18 sân bay dân dụng trên toàn quốc.

Tuấn Minh