Nợ phải trả của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) tăng gần gấp đôi từ 3.370 tỷ đồng hồi đầu năm, lên gần 6.200 tỷ vào cuối quý 2/2018.

vinafood 2
Vinafood 2 tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu vào tháng 9/2018. (Ảnh: Vinafood 2)

Báo cáo tài chính bán niên của Vinafood 2 cho biết tính đến cuối quý 2/2018, công ty này đang ôm khoản nợ gần 6.200 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với con số hồi đầu năm là 3.370 tỷ đồng.

Tổng số nợ trên cao gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu (3.950 tỷ đồng) và chiếm tới 61% tổng nguồn vốn của Vinafood 2 tính đến cuối kỳ (10.100 tỷ đồng). Trong đó, đa phần là nợ ngắn hạn (5.555 tỷ đồng), nợ dài hạn hơn 630 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính khiến khoản nợ của Vinafood 2 tăng mạnh là do công ty ghi nhận khoản phải trả về cổ phần hóa lên đến gần 1.300 tỷ sau khi hoàn tất IPO hồi tháng 3/2018. Bên cạnh đó, các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng tăng vọt lên hơn 3.860 tỷ đồng.

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Tổng công ty Lương thực miền Nam.

Theo đó, Vinafood 2 tham gia hợp tác góp vốn bằng quyền sử dụng đất, sau đó thực hiện thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không qua đấu giá. Công tác lựa chọn nhà đầu tư hợp tác, góp vốn đều theo hình thức chỉ định, không có tiêu chí, chào giá công khai, minh bạch… Đây là hình thức lách luật để chuyển nhượng đất của Nhà nước cho nhà đầu tư khác nhằm trục lợi.

Trước đó vào năm ngoái, kết luận thanh tra của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Vinafood 2 về quản lý tài sản, các công ty con kinh doanh thua lỗ gây thiệt hại ngân sách hàng trăm tỷ đồng.

Sau giai đoạn cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 đã tăng trưởng tích cực hơn. Lũy kế doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt gần 7.450 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước 70%. Mặc dù chi phí bán hàng tăng tới gấp 3 lần, nhưng công ty vẫn báo lãi 88 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ sau thuế đến 118 tỷ đồng.

Vinafood 2 đặt mục tiêu lợi nhuận cả năm 2018 đạt 240 tỷ đồng.

Tổng công ty Lương thực miền Nam có vốn điều lệ hơn 4.700 tỷ đồng (Nhà nước nắm giữ 51,43% cổ phần) hoạt động trong lĩnh vực chính là chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực, nông. Công ty hiện có 14 đơn vị thuộc khối mẹ, 12 công ty cổ phần chi phối, 8 công ty liên kết và một khối tài sản lớn là các quỹ đất, cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho chứa trải dài từ Ðà Nẵng, TP.HCM đến Cà Mau.

Tường Văn

Xem thêm: