Liên quan đến vụ Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM chiếm 245 tỷ đồng của khách hàng rồi biến mất, đại diện ngân hàng cho hay khi nào có phán quyết của tòa, ngân hàng sẽ trả lại khách hàng số tiền này.

Eximbank-giao dich vien2
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Eximbank. (Ảnh: eximbank.com.vn)

Hôm qua (23/2), phía ngân hàng Eximbank đã có văn bản trả lời về yêu cầu tất toán sổ tiết kiệm của bà C.T.B. – khách hàng bị Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM chiếm 245 tỷ đồng.

Eximbank dẫn văn bản số 387 ngày 12/6/2017 của C44 cho biết các tài khoản tiền gửi tiết kiệm mà bà B. đề nghị tất toán đã được rút một phần và chữ ký trên các chứng từ rút tiền được C44 thông tin là chữ ký thật của bà B. Do vậy, Eximbank khẳng định trước mắt ngân hàng chưa có cơ sở để giải quyết yêu cầu tất toán sổ của khách hàng.

Theo cơ quan điều tra, ông Lê Nguyễn Hưng – Phó giám đốc chi nhánh TP.HCM là người trực tiếp thực hiện các giao dịch với bà B. Lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng, ông Hưng đã làm giả văn bản người được uỷ quyền để rút tiền từ tài khoản của bà B.

Đại diện của Eximbank cho hay kết luận của cơ quan điều tra về mặt pháp lý không phải là phán quyết cuối cùng. Bản thân Hội đồng quản trị ngân hàng cũng khó giải quyết vụ việc nếu chỉ dựa trên kết luận của cơ quan điều tra, hai bên cần sớm phối hợp để đưa vụ việc ra tòa thực hiện theo đúng trình tự tố tụng. Khi tòa án có phán quyết Eximbank có trách nhiệm trả số tiền này, ngân hàng sẽ trả ngay cho khách hàng.

Tuy nhiên, về phía bà B. – người bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Eximbank – cho biết với báo chí rằng không đồng ý phương án đưa vụ việc ra tòa như đề xuất của Eximbank, thay vào đó Eximbank phải trả tiền ngay cho bà.

Theo bà B., việc đưa ra xét xử tại tòa án là một lựa chọn sẽ gây ra nhiều hao tổn về sức lực và tiền của cho cả hai bên. Do vậy, bà mong muốn được giải quyết vụ việc trong hòa bình và mong muốn được tất toán sổ tiết kiệm để lấy lại tiền của mình.

Cũng trong ngày 23/2, đại diện của NHNN chi nhánh TP.HCM – ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết ngay khi xảy ra sự việc, cơ quan này đã làm việc với Eximbank yêu cầu xác định nguyên nhân và rà soát lại tất cả quy trình về huy động cũng như cho vay để khắc phục kịp thời các lỗ hổng.

Đối với trường hợp của bà B., NHNN TP.HCM đã yêu cầu Eximbank làm việc cụ thể với khách hàng và có hướng giải quyết vụ việc. Về phương án đưa ra tòa, ông Minh cho biết NHNN tôn trọng quyết định giải quyết của Eximbank.

Trong khi đó, nhiều luật sư bày tỏ quan điểm về vụ việc cho rằng việc Eximbank chờ đến khi có phán quyết của tòa mới chi trả tiền cho bà B. là không thỏa đáng bởi theo các luật sư, cần tách bạch rõ các mối quan hệ trong vụ việc này, một là giao dịch dân sự giữa khách hàng với ngân hàng, hai là quan hệ hình sự.

Về quan hệ dân sự, nhiều luật sư cho rằng ngân hàng nhận tiền gửi của khách hàng thì phải có nghĩa vụ đảm bảo an toàn tiền gửi của khách, trường hợp để xảy ra mất mát, thất thoát thì ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường cho khách đầy đủ tiền gốc và lãi mà không phải chờ phán quyết của tòa án, bởi người gửi tiền chỉ tin tưởng và gửi tiền cho ngân hàng mà không phải với bất cứ cá nhân nào làm việc tại ngân hàng.

Về quan hệ hình sự trong vụ việc giữa ngân hàng và ông Hưng, trong trường hợp này, cần xác định ngân hàng Eximbank là bên bị hại, vì bị nhân viên là ông Lê Nguyễn Hưng – nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM lợi dụng khe hở để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Khi tòa án phán quyết Eximbank là bên bị thiệt hại thì ông Hưng có trách nhiệm trả lại tiền cho ngân hàng.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Hưng đã lấy tiền từ năm 2014 ở nhiều thời điểm khác nhau và ở nhiều sổ tiết kiệm khác nhau của bà B., kéo dài đến năm 2016. Cuối năm 2016, sự việc vỡ lở, ông Hưng hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Thông tin về việc vì sao lại có chữ ký thật của bà B. trên giấy ủy quyền, ông Lê Văn Quyết – Tổng giám đốc Eximbank cho hay đây là các chữ ký sẵn của bà B. vì bà là khách hàng VIP khi có số tiền gửi rất lớn, được ngân hàng chăm sóc đặc biệt.

Tường Văn (T/h)

Xem thêm: