Theo báo cáo Wealth Report 2017 của hãng tư vấn Knight Frank, sự tăng trưởng tài sản cá nhân ở Việt Nam chủ yếu đến từ sự gia tăng tài sản của những người siêu giàu – những cá nhân sở hữu giá trị tài sản ròng hơn 30 triệu USD (không bao gồm bất động sản cư trú).

toc do gia tang tai san
Việt Nam có số lượng những người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới trong 10 năm qua. (Ảnh: J. Nguyen)

Theo báo cáo The Wealth Report 2017 (do công ty tư vấn Knight Frank thực hiện), năm 2016, thế giới có hơn 13,6 triệu triệu phú có tài sản hơn 1 triệu USD, hơn 193.000 triệu phú có tài sản trên 30 triệu USD, hơn 23.000 triệu phú có tài sản trên 100 triệu USD và hơn 2.000 tỷ phú USD.

Trong đó, tầng lớp những người siêu giàu (Ultra high net worth individual – UNHWI) là những người có giá trị tài sản ròng hơn 30 triệu USD không bao gồm bất động sản nơi cư trú. Theo thống kê, hiện Việt Nam đang có 200 cá nhân thuộc nhóm những người siêu giàu.

Phân tích của Knight Frank chỉ ra từ năm 2006 – 2016, số lượng những người siêu giàu trên thế giới tăng từ 136.200 người lên 193.490 người (tăng 42%). Mặc dù vậy, tỷ lệ tăng có sự khác biệt giữa các khu vực do ảnh hưởng của những biến động kinh tế, chính trị như: cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, Brexit, sự vỡ nợ của các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu (EU), cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ…  Knight Frank cho hay năm 2016, yếu tố then chốt ảnh hưởng đến sự gia tăng thu nhập của các cá nhân đến từ sự tăng điểm của thị trường chứng khoán.

Theo báo cáo, nền kinh tế phát triển nhanh chóng và sự nổi lên như một công xưởng mới của thế giới được cho là yếu tố giúp Việt Nam trở thành quốc gia có sự gia tăng số lượng những người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 300%.

31

32
Việt Nam là quốc gia có số lượng những người có khối tài sản khổng lồ tăng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2006 – 2016. (Nguồn: The Wealth Repor 2017)

Theo dự báo của Knight Frank, từ nay đến năm 2026, số lượng những người siêu giàu trên thế giới sẽ tăng lên 275.740 người (tăng trung bình 43%). Trong đó, số lượng những người siêu giàu tại châu Âu tăng 12%, khu vực Bắc Mỹ tăng 31%, châu Phi tăng 33%, khu vực Trung Đông tăng 39%, trong khi đó châu Úc tăng 70%, và châu Á có tốc độ tăng cao nhất: 91%.

Theo dự báo, Việt Nam vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về sự gia tăng số lượng người siêu giàu với mức tăng 170% (540 người vào năm 2026) – sự gia tăng được dự đoán đến từ các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như: dịch vụ y tế, chế tạo, ngân hàng.

Trái ngược với xu hướng tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, từ năm 2006 – 2016, số lượng những người siêu giàu tại nhiều quốc gia châu Âu bị giảm sút như: Hy Lạp giảm 27%, Italy giảm 11%, Pháp giảm 10%, Tây Ban Nha giảm 9%. Dự báo trong 10 năm tới của Knight Frank không có nhiều biến động về số lượng người siêu giàu tại các quốc gia này.

Đặc biệt, theo báo cáo, quốc gia từng thịnh vượng nhất Nam Mỹ với lượng dầu mỏ xuất khẩu hàng đầu thế giới – Venezuela – hiện đang lâm vào tình cảnh thiếu đói, Chính phủ vỡ nợ, người dân tháo chạy khỏi quốc gia bởi những chính sách kinh tế phi thị trường và chế độ độc tài, số lượng những người siêu giàu sụt giảm mạnh với -60%.

41
Số lượng những người siêu giàu tại Venezuela bị sụt giảm mạnh nhất. (Nguồn: The Wealth Report 2017)

Cũng trong The Wealth Report 2017, Knight Frank còn đưa ra dự báo của các chuyên gia về những rào cản và cơ hội trong năm tới có thể ảnh hưởng đến xu hướng giàu có của các khu vực như:

  • Xu hướng toàn cầu hóa vẫn tiếp tục gia tăng mặc dù Brexit và việc Mỹ rút khỏi hàng loạt các thỏa thuận thương mại đa phương, gia tăng các chính sách bảo hộ thương mại;
  • Công nghệ chuỗi khối – Blockchain sẽ thay đổi mọi thứ;
  • Quyền công dân được mở rộng;
  • Dữ liệu được chia sẻ công khai sẽ thay đổi các quyết định đầu tư;
  • Nhập cư sẽ là yếu tố chính trị quan trọng.

Chân Hồ

Xem thêm: