Dữ liệu từ Bộ Công thương cho thấy từ ngày 12-19/9, giá xăng RON95 thành phẩm nhập khẩu giảm 13,8%, từ mức 103,9 USD/thùng xuống còn 91,3 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất từ đầu năm, do đó giá xăng dầu có thể giảm trong kỳ điều chỉnh ngày 21/9.

xăng dầu liên tục tăng giá xăng tăng bỏ quỹ bình ổn xăng dầu thanhphohaiphong.gov .vn scaled
Giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu lao dốc từ 13-16% do các nền kinh tế lớn tiếp tục thắt chặt lãi suất, tăng nguy cơ suy thoái. (Ảnh: thanhphohaiphong.gov.vn)

Với xăng thành phẩm RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON95, giá nhập giảm từ 99,5 USD/thùng xuống 87,3 USD/thùng (giảm gần 14%); dầu Diesel giảm 131,9 USD còn 113,2 USD/thùng (giảm 16,5%).

Theo tính toán của một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, hiện giá xăng RON95 trong nước đang cao hơn giá nhập khẩu khoảng 500-700 đồng/lít; giá dầu Diesel cao hơn gần 2.000 đồng/lít, báo Dân Việt đưa tin.

Trong trường hợp liên Bộ Công thương – Tài chính tiếp tục trích Quỹ bình ổn xăng dầu, mức giảm có thể bị thấp hơn tính toán. Căn cứ theo giá nhập khẩu, trừ đi thuế bảo vệ môi trường 3.300 đồng/lít, giá xăng RON95 có thể ở mức 19.900 đồng/lít.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng của Việt Nam đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng, 10 lần giảm và một lần giữ nguyên.

Giá dầu tại châu Á ổn định trong phiên 20/9, lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất trong tuần này nhằm kiểm soát lạm phát sẽ khiến nền kinh tế suy thoái và làm giảm nhu cầu nhiên liệu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lên 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9. Chủ tịch Christine Lagarde cho biết còn rất xa so với tỷ lệ có thể giúp đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%, nên có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.

Đồng thời, cơ quan này điều chỉnh dự báo lạm phát 2022 của khu vực châu Âu ở mức 8,1%.

Về nguồn cung xăng dầu, Việt Nam đối mặt với việc cân bằng giữa lợi ích của đại lý bán lẻ – thương nhân đầu mối nhập khẩu – lợi ích của người tiêu dùng. Trong thời gian qua, nhiều cây xăng ở các tỉnh thành treo bảng hết xăng với một số nguyên nhân như: giá chiết khấu thấp dẫn tới kinh doanh thua lỗ kéo dài, hàng về chậm, thiếu hàng từ đầu mối, v.v…

Theo báo Tiền Phong, mấy ngày qua, ở Hà Nội xuất hiện việc cây xăng bán nhỏ giọt, giảm nhân viên đứng bán, treo biển tạm hết xăng, hết dầu hay báo sửa chữa cây xăng.

Ở Sóc Trăng, Tổng giám đốc Công ty Thương nghiệp Cà Mau thông báo dừng hoạt động kinh doanh 11 cửa hàng xăng dầu, thời gian dừng hoạt động từ hôm 15/9.

Trước đó, một số cây xăng ở An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai… lại xảy ra tình trạng đóng cửa vì cho rằng nguồn cung nhỏ giọt, càng bán càng lỗ. Có 6 cây xăng ở huyện Tịnh Biên, An Giang treo biển hết hàng từ hôm qua (30/8). Chuỗi này thuộc 24 cửa hàng ở miền Tây do Công ty cổ phần dầu khí Đại Đông Dương phân phối nhiên liệu (mỗi tháng cung ứng một triệu lít), báo Vnexpress đưa tin.

Theo số liệu của Cục quản lý thị trường An Giang, tính đến hôm 30/8, có 19 cửa hàng xăng dầu đóng cửa, 36 cửa hàng hết hàng chiếm gần 10% đơn vị kinh doanh toàn tỉnh. Báo cáo cũng nêu khi kiểm tra thực tế có ghi nhận việc các cửa hàng hết nhiên liệu do khó mua hàng từ thương nhân phân phối.

Thiên Vũ