Không lâu sau khi giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019, giá xăng dầu cũng thông báo tăng khoảng 8%. Điều này có thể kéo theo giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ leo thang.

gia xang gia dien
Trong vòng chưa đầy nửa tháng, điện, xăng dầu đồng loạt tăng giá hơn 8% cảnh báo nguy cơ toàn bộ nền kinh tế bị tác động. (Ảnh: Phạm Toàn)

Trong lần điều chỉnh giá xăng ngày 2/4 vừa qua, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, lên mức 18.588 đồng; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng, lên mức 20.033 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 1.086 đến 1.219 đồng mỗi lít, tùy loại.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá điện, giá xăng dầu đồng loạt tăng giá cao hơn 8% sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế, nhất là những ngành tiêu tốn nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, thủy sản, vận tải… dẫn đến giá cả dịch vụ và nhu yếu phẩm tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội của người tiêu dùng trong khi mức lương vẫn giữ nguyên.

Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán MB cho thấy chi phí điện hiện đang chiếm khoảng 10-15% chi phí sản xuất ngành thép, trong khi lợi nhuận ngành này chỉ đạt khoảng 6%. Giải pháp được các doanh nghiệp áp dụng là tăng giá thành sản phẩm. Theo tác động liên hoàn, giá thép tăng sẽ khiến giá nhà tăng lên.

Với các doanh nghiệp vận tải, đây cũng là một bài toán nan giải. Các doanh nghiệp vận tải sẽ phải chuyển chi phí đầu ra cho khách hàng thông qua việc tăng giá cước.

Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, giá nhiên liệu chiếm khoảng 45% giá cước vận tải taxi. Thông thường giá nhiên liệu tăng 6-8%, các doanh nghiệp đã điều chỉnh cước. Chính vì vậy, lần tăng giá xăng này, không nghi ngờ là các hãng taxi truyền thống sẽ phải tính toán để tăng cước.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải hàng không cũng dự kiến sẽ chịu áp lực tăng chi phí không nhỏ do chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Chi phí xăng dầu của Vietnam Airlines bình quân chiếm khoảng 30% – 38% tổng chi phí hoạt động của hãng, trong khi với ở Vietjet thì con số này vào khoảng 42%.

Thêm nữa, theo đại diện Tổng cục Thống kê, từ nay đến cuối năm, giá một số nhóm hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý sẽ tăng theo lộ trình nối tiếp giá điện và giá xăng dầu. Cụ thể, giá dịch vụ y tế mới tăng được 2/4 bước; Giá dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa… cũng sẽ tăng. Mới đây, giá gas cũng thông báo tăng lần thứ 4 liên tiếp chạm ngưỡng 356.000 đồng/bình.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cùng với giá xăng, giá điện tăng, một hệ lụy khác khó tránh khỏi chính là chỉ số giá tiêu dùng có thể sẽ tăng thêm khoảng 0,2% trong tháng tới, ảnh hưởng đến mục tiêu “kiểm soát lạm phát dưới 4%” trong cả năm mà Quốc hội đề ra hồi tháng 1/2019. Sau lần tăng giá điện và xăng này, con số “lạm phát dưới 4%” sẽ khó lòng thực hiện được.

Nói thêm về giá điện, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế ADB nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đòi hỏi tiêu thụ năng lượng rất mạnh. Nếu đà tăng trưởng tiếp tục duy trì, câu hỏi đặt ra là nguồn năng lượng từ đâu để đảm bảo cho tăng trưởng, đồng thời không tác động đến môi trường?

Hoàng Giang (T/h)

Xem thêm: