Để xây dựng lại tuyến đường sắt răng cưa từng bị phá bỏ vào những năm 80 của thế kỷ trước nối hai địa phương Đà Lạt (Lâm Đồng) – Tháp Chàm (Ninh Thuận), doanh nghiệp vừa đề xuất số tiền phải bỏ ra để khôi phục lên đến hơn 27.780 tỷ đồng.

dường sắt dà lạt trại mát dường sắt dà lạt tháp chàm 230591146
Hiện chỉ còn lại đoạn đường sắt từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt dài khoảng 5 km dùng để bán vé tham quan. (Ảnh: AleksSafronov/Shutterstock)

Ngày 13/7, Thứ trưởng Bộ GTVT – Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về kế hoạch xây dựng lại tuyến đường sắt răng cưa nổi tiếng trên bình diện thế giới một thời, nối cao nguyên Đà Lạt và Tháp Chàm theo hình thức đối tác công tư – PPP.

Tổng số vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 27.780 tỷ đồng. Chiều dài của tuyến đường khoảng 83,5 km. Đầu tuyến là ga Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), cuối tuyến là ga Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Trong đó, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận 49 km có 17 ga và trạm. Bên cạnh đó có 64 cầu, 5 hầm và 16 km lắp đặt đường ray răng cưa (đoạn qua Ninh Thuận 8 km).

Trước đó, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận giao Công ty Thương mại Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng) chịu trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án trên. Thời hạn nộp hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư trước ngày 31/12/2022.

Vào năm 2019, Công ty Bạch Đằng cũng từng đề xuất khôi phục lại tuyến đường sắt này với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 3 năm số vốn đầu tư dự kiến đã tăng 2,7 lần.

Tuyến đường sắt răng cưa huy hoàng của lịch sử… bị tháo ra bán “sắt vụn”

Tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt là một trong những tuyến đường sắt độc đáo và hiếm có của thế giới. Ở thời điểm đó, chỉ có Việt Nam và Thụy Sỹ sở hữu hệ thống đường sắt này.

Đây là tuyến đường sắt có hệ thống đường ray dạng răng cưa giúp tàu leo núi. Ngoài hai thanh ray đỡ, ở chính giữa còn có thêm một thanh ray như lưỡi cưa, ăn khớp với bánh răng của đầu tàu kéo, để kéo đoàn tàu lên dốc và giữ cho đoàn tàu không bị tuột nhanh khi xuống dốc.

Tuyến đường sắt được khởi công xây dựng vào năm 1908 theo lệnh của Toàn quyền Paul Doumer, tới năm 1932 mới hoàn thành. Tuyến đường có chiều dài gần 84km, gồm 12 nhà ga, 5 hầm xuyên núi (tổng chiều dài 1.090 m).

toa tàu leo dốc dèo Sông Pha Ngoạn Mục tuyến dường sắt Dà Lạt Tháp Chàm manhhaiflickr.com
Hình ảnh lịch sử đoàn tàu răng cưa leo núi đoạn Sông Pha – Đèo Ngoạn Mục (Nguồn: Manhhai/Flickr.com)

Tuyến có 3 đoạn có đường ray răng cưa để tàu leo dốc và xuống dốc với độ dốc trên 12‰ (tuyến leo núi ở đèo Furka – Thuỵ Sỹ có độ dốc tối đa là 11,8‰): Sông Pha – Eo Gió (có độ cao từ 186 m đến 991 m), Đơn Dương – Trạm Hành (1.016 – 1.515 m), Đa Thọ – Trại Mát (1.402 – 1.550 m). Xen kẽ là các đoạn đường bằng phẳng chạy bằng ray thông thường.

Để tàu vượt được các đoạn dốc này, người Pháp đã cho nhập loại đầu máy HG 4/4 của Thuỵ Sỹ có công suất lớn.

Từ năm 1968, tuyến đường sắt đã ngừng hoạt động. Đến tháng 5/1975, tuyến đường được khôi phục nhưng chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn thì ngưng hẳn.

Năm 1986, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam đã cho công nhân tháo ray và tà vẹt của tuyến đường này để phục vụ sửa chữa đường sắt Bắc – Nam, phần còn lại bị bán dần làm sắt vụn từ những năm 1980 đến 2004.

dầu tàu hỏa dà lạt phan rang dường sắt răng cưa thuỵ sỹ dường sắt răng cưa dà lạt tháp chàm
Đoàn tàu tương tự được khai thác du lịch băng qua đèo Furka ở Thụy Sỹ, là điểm đến thu hút rất nhiều khách quốc tế. (Ảnh: Schlesier52/Shutterstock)

Năm 1990, công ty DFB – đơn vị khai thác tuyến đường sắt răng cưa leo núi Furka (Thụy Sỹ) đạt được sự thỏa thuận với ngành đường sắt Việt Nam để mua lại các đầu máy còn hiện hữu, kể cả những bộ sườn, toa tàu cùng một số thiết bị với giá 650.000 USD. Trở về Thuỵ Sỹ, các đầu máy và thiết bị này sau đó được sửa chữa và đưa vào phục vụ tuyến đường sắt leo núi độc đáo của đất nước này.

Năm 1991, ngành đường sắt Việt Nam khôi phục lại một đoạn đường của tuyến, từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt dài 5 km để khai thác du lịch. Các nhà ga còn lại, hầm xuyên núi của tuyến đường sắt quý giá bị bỏ hoang.

Quang Minh