Trong ngày thông quan đầu tiên tại Cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành sang Trung Quốc, Việt Nam xuất khẩu 8 xe, nhập khẩu 54 xe hàng nông sản. Đến cuối ngày thứ hai, Việt Nam xuất khẩu 580 tấn nông sản, nhập khẩu 1.738 tấn nông sản sang thị trường này. 

thanh long, xuất khẩu nông sản
Hàng trăm container thanh long đang “mắc kẹt” tại Cửa khẩu Kim Thành. (Ảnh: baolaocai.vn)

Thông thương tiểu ngạch: Việt Nam mở, Trung Quốc vẫn đóng

Ngày 12/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 224/CĐ-TTg đồng ý với đề nghị của Bộ Công thương tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hoá qua cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam (Lạng Sơn) và lối mở Km3+4 phường Hải Yên, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Văn bản này đưa ra như một biện pháp tháo gỡ khó khăn xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc do tác động của dịch virus Covid 19.  

Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn chưa có quyết định mở lại các chợ đường biên phục vụ giao thương cư dân hai nước. Cụ thể, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, trước mắt là tới cuối tháng 2/2020. 

Về phía chính quyền tỉnh Vân Nam, hiện chưa có thông tin chính thức nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp Covid 19 gây ra, Bộ Công thương nhận định nhiều khả năng tỉnh này cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự.

Trước tình hình trên, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn liên tục khuyến nghị các doanh nghiệp đã chủ động có các biện pháp điều tiết số  lượng thanh long và dưa hấu đưa lên biên giới để xuất khẩu. 

Xuất nhập khẩu chính ngạch không tương xứng – do thiếu nhân lực bốc vác?

Về xuất khẩu chính ngạch, Bộ Công thương cho biết “Quyết định của 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam chỉ ảnh hưởng tới hàng hóa đưa lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân (trao đổi tiểu ngạch). 

Các lô nông sản xuất khẩu theo đường chính ngạch, kể cả thanh long, vẫn được làm thủ tục thông quan bình thường dù tiến độ có phần chậm hơn do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh”. 

Theo ghi nhận, tại Cửa khẩu Hữu nghị, mỗi ngày có 20 xe hàng thông quan trong tổng số xe chở nông sản chờ làm thủ tục xấp xỉ gần 500 xe. Lý do được phía Trung Quốc đưa ra là do nhiều cán bộ Hải quan buộc phải cách ly vì bệnh dịch. 

Điều đáng lưu ý là số lượng thông quan ít ỏi trên không tương xứng với số lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam. 

Đơn cử trong ngày đầu tiên thông quan tại cửa khẩu Kim Thành II, Lào Cai, có 54 xe hàng nông sản của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam trong khi chỉ có 8 xe hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Đến cuối chiều ngày 9/2, hải quan cửa khẩu Lào Cai đã làm thủ tục cho 35 bộ tờ khai nhập khẩu với 1.738 tấn nông sản của Trung Quốc, kim ngạch 328.886 USD. Trong khi đó, xuất khẩu có 13 bộ tờ khai hải quan với 580 tấn nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, kim ngạch 266.833 USD. 

Cùng ngày, có 119 xe hàng nhập khẩu và 12 xe hàng xuất khẩu qua Cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành.

Lý giải về việc hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc còn hạn chế, ông Trần Anh Tú, Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết một phần do việc kiểm dịch nghiêm ngặt còn phải kể đến nguyên nhân từ phía Trung Quốc hiện rất thiếu bốc vác hàng thuê.

Trước đây, phần lớn lực lượng này từ Việt Nam sang làm thuê khu vực chợ biên giới của Trung Quốc ở thị trấn Hà Khẩu (khoảng hơn 2.000 người), nhưng do có dịch nên các lao động bốc vác không xuất cảnh vì lo ngại khi trở về sẽ phải cách ly ít nhất 14 ngày theo quy định.

Chính điều này đã làm thiếu hụt một lượng lớn lao động phổ thông phía Trung Quốc, gây khó khăn cho các doanh nghiệp Trung Quốc khi nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam.

Xe Trung Quốc sẽ vào Việt Nam nhận hàng?

Để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực bốc vác tại đầu Trung Quốc, ông Vy Công Tường – Cục phó Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, cho biết từ ngày 11/2 phía Trung Quốc sẽ cho xe container chạy sang Việt Nam để nhận hàng, thay vì xe của Việt Nam phải chạy sang Trung Quốc. Phía Việt Nam có sẵn người sang hàng (cửu vạn) nên việc giải phóng hàng trái cây sẽ nhanh hơn. Về vấn đề này,  lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn sẽ trực tiếp đi kiểm tra. 

Đáng lưu ý, tính đến hết ngày 11/2, qua cửa khẩu Kim Thành II mới xuất khẩu được 2000 tấn thanh long sang Trung Quốc. Chợ biên chưa mở nhưng trong nước, các doanh nghiệp, nông dân trồng thanh long đã bắt đầu bắn tin không cần giải cứu nữa. 

Về vấn đề này, đại diện Bộ Công thương cho rằng còn quá sớm để nhận định tình hình, đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp không vội đem hàng về khu vực biên giới.

Không loại trừ trường hợp những ngày tới xe chở nông sản lại ùn ùn về biên mậu vì có thông tin Trung Quốc sẽ sớm mở các cửa khẩu, chợ biên giới. Tìm hiểu thông tin từ địa phương, chúng tôi cũng nghe được rằng các thương lái tiếp tục gom hàng để chở về biên giới, vì họ nói rằng tình hình Trung Quốc rất khó khăn, sẽ phải cho nhập sớm lại các nhu yếu phẩm này” – ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết.

Ông Đông cho hay lãnh đạo Bộ đã giao Cục Xuất nhập khẩu luôn cập nhật tình hình từ phía Trung Quốc để có cảnh báo, thông báo cho các doanh nghiệp không vội đem hàng về khu vực biên giới, tránh tập trung đông người, lại không có điều kiện bảo quản hàng tốt nhất.

Tính đến ngày 11/2, cả nước đã xuất khẩu 2.000 tấn thanh long sang Trung Quốc, chưa tới 1% sản lượng tồn. 

Theo tính toán của Hiệp hội Thanh long, toàn bộ số thanh long tồn (kể cả đã hái và chưa hái) là 250.000 tấn,  trong đó Bình Thuận 139.000 tấn, Tiền Giang 21.000 tấn, Long An 90.000 tấn.

Nguyên Hương

Xem thêm: