Do Mỹ tăng cường các hạn chế thương mại đối với công nghệ chip tiên tiến, năm 2022 lần đầu tiên trong 3 năm hoạt động xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc từ Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan sụt giảm.

Theo dữ liệu thương mại do Nikkei Asia tổng hợp, xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc quý 4 năm ngoái: của Nhật Bản giảm 16%, Hà Lan giảm 44% và Mỹ giảm 50%. Trong cùng kỳ, xuất khẩu từ Nhật Bản và Mỹ sang các vùng khác tăng lần lượt là 26% và 10%.

Ba nước này là nơi tập trung các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu, với Applied Materials, ASML và Tokyo Electron nằm trong số những công ty dẫn đầu thị phần. Theo Nikkei Asia, khi Nhật Bản và Hà Lan công bố những hạn chế của riêng họ thì mức độ tác động có thể tiếp tục mở rộng.

Những nguồn tin từ truyền thông Trung Quốc cho hay, năm 2022 Trung Quốc nhập khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn giảm 15% xuống còn 34,7 tỷ USD, mức giảm đầu tiên trong 3 năm. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy xu hướng giảm tiếp tục cho đến năm 2023, với tổng lượng nhập khẩu trong tháng 1 và tháng 2 giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu chất bán dẫn giảm khoảng 1/4.

Những yếu tố có thể khiến trong giai đoạn này hoạt động nhập khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc sụt giảm phải kể là việc phong tỏa xã hội tại Trung Quốc do COVID-19 dẫn đến hoạt động sản xuất và đầu tư vốn vào Trung Quốc sụt giảm, thêm vào là xu thế suy giảm của thị trường chất bán dẫn trong nửa cuối năm 2022. Vào tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã áp đặt các hạn chế về chip đối với Trung Quốc, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhập khẩu giảm mạnh.

Công ty điện tử và bán dẫn Tokyo Electron của Nhật Bản kiểm soát gần 90% thị trường thiết bị phát triển và phủ chip, trong năm tài chính 2021 có 26% doanh số bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn của công ty là từ Trung Quốc.

Tổng giám đốc bộ phận tài chính của Tokyo Electron, ông Hiroshi Kawamoto cho biết: “Nếu thiết bị của Mỹ không thể đến tay khách hàng Trung Quốc của chúng tôi, thì họ không thể sản xuất và thiết bị của chúng tôi cũng không thể đến được đó.”

Chính quyền Tổng thống Biden đã kêu gọi Nhật Bản và Hà Lan noi gương Mỹ trong việc áp đặt các hạn chế nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ đối với công nghệ chip tiên tiến, vì vậy cả 2 nước đang trong quá trình ban hành các hạn chế liên quan.

Về phía Hà Lan, Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan Liesje Schreinemacher gần đây cho biết, Hà Lan có kế hoạch ngay từ mùa hè này sẽ bổ sung thêm nhiều mặt hàng vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.

Đối với Nhật Bản, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura cho biết Tokyo sẽ “dựa theo những hạn chế mà các nước khác áp đặt để thực hiện các biện pháp phù hợp”.

Các thiết bị không phải là công nghệ tiên tiến vẫn có thể được mua và bán dễ dàng. Nhu cầu về chất bán dẫn sử dụng trong các sản phẩm như xe điện vẫn mạnh và các nhà sản xuất thiết bị lớn của Nhật Bản vẫn coi Trung Quốc là khách hàng quan trọng.

Mặc dù vậy, rủi ro địa chính trị vẫn là một vấn đề lớn đối với toàn ngành công nghiệp bán dẫn. Tất cả các nước đều công bố chính sách bổ sung nhằm đưa dây chuyền sản xuất chất bán dẫn quay về nước, yếu tố cơ cấu này sẽ khiến xuất khẩu sang Trung Quốc bị suy yếu thêm.

Các nhà quan sát trong ngành nói với Nikkei Asia rằng Trung Quốc còn phải đối mặt với các biện pháp ngăn chặn ở cấp độ khác của Mỹ, chẳng hạn như kiểm soát xuất khẩu phần mềm thiết kế.

Một người trong ngành cho biết: “Trung Quốc đi sau một thập niên về phát triển (chip) tiên tiến”.

Nhà kinh tế Minoru Nogimori tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản (JRI), nhận định việc Mỹ hạn chế cho phép giới kỹ sư làm việc tại các nhà máy Trung Quốc là “đòn nặng nề” và “họ gần như không thể bắt kịp công nghệ Mỹ”.