Xuất nhập khẩu đã có tín hiệu đáng mừng, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan công bố thì kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cán mốc 300 tỷ USD vào ngày 15/11/2016, tăng thêm 100 tỷ USD so với mốc 200 tỷ USD từ tháng 12/2011. Nhưng bên cạnh gam màu hồng, còn có những gam màu xám…

(Ảnh: Pixabay)
(Ảnh: Pixabay)

Kinh tế trong nước nhập siêu 15,58 tỷ USD

Nối tiếp nhập siêu của tháng 10/2016, cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 11/2016 thâm hụt 0,57 tỷ USD, dẫn đến lũy kế chỉ còn mức thặng dư 2,66 tỷ USD đến 15/11. Trong đó, xuất siêu chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI, còn khu vực trong nước vẫn nhập siêu 15,58 tỷ USD.

Cụ thể, trong 15 ngày đầu tháng 11, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 7,63 tỷ USD, giảm 6,4% so với nửa cuối tháng 10. Lũy kế xuất khẩu đến 15/11/2016 đạt 151,48 tỷ USD.

Về nhập khẩu trong 15 ngày đầu tháng 11 đạt gần 8,2 tỷ USD, tăng 1% so với 15 ngày cuối tháng 10. Lũy kế nhập khẩu đến hết ngày 15/11 đạt hơn 148,82 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Về xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong nửa đầu tháng 11 đạt hơn 5,52 tỷ USD, giảm 5,5% so với 15 ngày cuối tháng 10. Lũy kế từ đầu năm đến 15/11 đạt hơn 106,38 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm đến 70,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Về nhập khẩu của doanh nghiệp FDI, trong nửa đầu tháng 11 đạt hơn 4,86 tỷ USD, giảm 1,7% so với 15 ngày cuối tháng 10. Lũy kế đạt gần 88,14 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2015, chỉ chiếm 59,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Thực tế là lũy kế từ đầu năm khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu 18,24 tỷ USD, đồng thời tương đương khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,58 tỷ USD.

10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất thuộc về nước ngoài

Vẫn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch của 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất đạt 108 tỷ USD, chiếm gần 72% trong tổng 151 tỷ USD xuất khẩu của cả nước từ đầu năm đến ngày 15/11/2016.

Thứ nhất, nhóm Điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu 29,85 tỷ USD, tăng 10,72% (tăng 2,89 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Thứ hai, Hàng dệt, may giá trị kim ngạch 20,56 tỷ USD, tăng 4,52% (tăng 890 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Thứ ba, Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện kim ngạch 15,77 tỷ USD, tăng 16,81% (tăng 2,27 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Thứ tư, Giày dép các loại kim ngạch 11,02 tỷ USD, tăng 8,15% (tăng 830 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Thứ năm, Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác với giá trị kim ngạch 8,84 tỷ USD, tăng 26,47% (tăng 1,85 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Thứ sáu, là Hàng thủy sản với kim ngạch 6,06 tỷ USD, tăng 6,69% (tăng 380 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Thứ bảy, Gỗ và sản phẩm gỗ kim ngạch 5,88 tỷ USD.

Thứ tám, Phương tiện vận tải và phụ tùng kim ngạch 5,18 tỷ USD.

Thứ chín, Cà phê với giá trị kim ngạch 2,87 tỷ USD.

Thứ mười Túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù đạt kim ngạch 2,72 tỷ USD.

Như vậy, trong bảng xếp hạng hầu hết là các sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm đến 70,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Đáng quan tâm là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trước đây của Việt Nam như: gạo, hạt tiêu, hạt điều, cao su, chè… trước đây đều là mặt hàng tỷ đô, là cứu cách cho nông dân thì lại ngày càng giảm sút cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Nói đến gạo, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam khó có thể giữ được ngôi vị nước xuất khẩu thứ 3 thế giới, vì trong suốt 3 năm xuất khẩu liên tục gặp khó khăn. Từ giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD năm 2014, thì đến nay vẫn chưa đạt được 2 tỷ USD, giảm 30% về giá trị. Nhiều thị trường như Mỹ, châu Âu đã trả lại nhiều lô hàng gạo vì không đảm bảo an toàn.

Như vậy, nếu không có các doanh nghiệp FDI thì thực tế là Việt Nam vẫn nhập siêu ngày càng lớn, nhập siêu chiếm gần 10% GDP. Trong khi xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, đối với các sản phẩm nông lâm nghiệp thì ngày càng giảm thấp. Người nông dân ngày càng khó trong việc xuất khẩu sản phẩm của mình, luôn bị hàng của Trung Quốc và các nước khác vào cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lên tới 40 tỷ USD

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 10 tháng năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất đạt 40,3 tỷ USD; thứ hai là Hàn Quốc đạt 26 tỷ USD, tăng 10,8%. Chỉ hai thị trường này chiếm tới gần 50% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Nếu không có TPP, sẽ khó giảm được nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, đặc biệt từ tháng 9/2016, khi thực hiện cam kết xóa bỏ thuế với hàng nghìn mặt hàng trong Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN + Trung Quốc thì nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ gia tăng, 40 tỷ USD, bằng 1/5 GDP cả nước để dành cho nhập khẩu từ Trung Quốc thì sẽ thiệt thòi cho cả sản xuất và tiêu dùng.

Tóm lại, nhìn những gam màu sáng của xuất nhập khẩu cũng rất hy vọng, nhưng những gam màu xám cũng rất đáng quan ngại, nhất là khi chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết cổ truyền, theo thông lệ thì nhập siêu để nhập hàng hóa phục vụ tiêu dùng Tết, như vậy khả năng nhập siêu sẽ còn tăng.

Tâm Sáng

Xem thêm: