Theo Y học cổ truyền, xông hơi là một biện pháp trị “cảm phong hàn” hữu hiệu, đuổi tà khí xâm nhập vào các đường kinh lạc gây đau nhức cơ thể, giúp cơ thể thải độc, làm giãn các mạch máu dưới da, kích thích máu đến nuôi da nhiều hơn.

(ảnh: Bigstock)
(ảnh: Bigstock)

Tắm xông hơi kết hợp massage đã thành một dịch vụ khá phổ biến hiện nay tuy nhiên cũng có nhiều quan niệm sai lầm. Không phải ai và lúc nào tắm cũng có lợi.

Dưới đây là 10 điểm nên lưu ý khi tắm xông hơi:

1. Khi cơ thể khỏe mạnh, không có bệnh cấp tính thì tắm xông hơi mới có tác dụng tốt cho sức khỏe. Những người đang mang bệnh, người mới ốm dậy, cảm thấy yếu trong người thì không nên xông hơi.

Theo bác sĩ Harvey Simson (Hoa Kỳ), bệnh nhân tăng huyết áp, suy tim, rối loạn nhịp tim, cơn đau tim, bệnh van tim nên hỏi ý kiến bác sĩ, nếu cho phép mới được tắm hơi.

2. Phụ nữ mang thai phải hỏi ý kiến bác sĩ, khi cho phép mới được tắm hơi. Trẻ nhỏ cũng phải cẩn thận vì cơ thể các cháu chưa thích nghi được với nhiệt độ cao trong phòng hơi.

3. Những người thường bị dị ứng, nổi mề đay, phải rất thận trọng với tắm hơi vì môi trường nóng ẩm cao dễ gây dị ứng nặng.

4. Nên uống từ 1- 2 ly nước trước và sau khi tắm để bổ sung lượng nước mất do đổ mồ hôi trong quá trình tắm hơi. Chỉ nên uống nước ấm hoặc nước ở nhiệt độ bình thường, không nên uống nước lạnh.

5. Nên tắm trước cho sạch da để tắm hơi có kết quả tốt. Nên lót một tấm khăn bông trên ghế hoặc quấn trên người, tránh ngồi trực tiếp lên ghế, vừa tránh nhiễm khuẩn vừa bớt nóng cho bạn khi ngồi hoặc nằm để tắm hơi.

6. Chỉ tắm hơi khoảng từ 15-30 phút tùy theo sức chịu đựng của cơ thể bạn. Ngồi hay nằm thư giãn trên băng ghế để hơi nóng mở rộng lỗ chân lông, thấm vào cơ thể.

7. Không nên xông hơi rồi tắm ngay, đây cũng là một sai lầm phổ biến tại các điểm xông hơi massage. Việc xông hơi xong rồi tắm ngay rất có hại cho sức khoẻ, vì sau khi xông hơi, các lỗ chân lông đang nở ra, nếu tắm ngay sẽ làm cho các lỗ chân lông co bít lại, làm giảm lưu thông máu huyết, gây ra đau nhức cơ thể và có thể bị nhiễm cảm. Trình tự nên làm là: tắm trước khi xông hơi, xông hơi xong rồi massage

8. Khi ra khỏi phòng tắm hơi cần lau nhẹ thân mình cho hết mồ hôi bằng khăn bông, phụ nữ có thể thoa kem giữ ẩm trên da.

9. Không nên tập thể dục trong khi tắm hơi, vì tập trong khi tắm hơi cũng giống như bạn vận động giữa nắng hè, sẽ bị mất nước và mất muối nhiều, dễ dẫn đến say nóng.

10. Không nên xông hơi, massage sau khi ăn no, sẽ không có lợi cho sức khoẻ, nhưng đây lại là sai lầm thường mắc phải ở các đấng mày râu vì họ thường rủ nhau đi xông hơi massage sau khi ăn nhậu.

Ngoài ra, theo các thầy thuốc y học cổ truyền, nếu xông hơi liên tục, cơ thể sẽ bị mất nhiều dương khí và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tim mạch. Mồ hôi là một loại tân dịch, là một dạng của âm huyết. Huyết và khí nương nhau. Nếu ra quá nhiều mồ hôi có thể làm tổn thương âm huyết và hao hụt cả dương khí. Do đó nếu xông liên tục, khí huyết của cơ thể sẽ bị tổn hại, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân. Vì vậy bạn chỉ nên tắm hơi bình quân cách 3 ngày một lần. Nếu sau tắm xông hơi cảm thấy không khỏe, thì không nên lạm dụng.

Kiên Thành tổng hợp

Xem thêm: