Chúng ta đều thích cuộn mình trong một chiếc chăn ấm, cảm giác thật thư giãn và thoải mái. Trẻ sơ sinh được quấn trong chăn ngay khi mới chào đời. Chăn mang lại những lợi ích tích cực cho giấc ngủ và sức khỏe của con người.

Đặc biệt, loại chăn có trọng lượng còn được dùng trong trị liệu giúp bạn thư giãn và ngủ ngon hơn. Dưới đây là những điều bạn cần biết về lợi ích của những chiếc “chăn nặng”.

Chăn có trọng lượng là gì?

Chăn có trọng lượng là loại chăn nặng hơn các loại thông thường và được dùng cho mục đích trị liệu. Bên trong chăn có các túi nhỏ chứa hạt hoặc viên để tạo ra độ nặng (khoảng 2,26 kg đến 13,6 kg). Chăn được thiết kế đặc biệt nhằm phân bổ đều trọng lượng và áp lực đè lên cơ thể bạn, tạo ra cảm giác như được ôm ấp.  

Những chiếc chăn này là một hình thức cảm ứng áp lực sâu. Đây là một phương pháp trị liệu sử dụng áp lực để thư giãn hệ thần kinh, thông qua hành động chạm, ôm, quấn, giữ hoặc sử dụng quần áo có trọng lượng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng liệu pháp áp lực sâu là cách hiệu quả giúp chúng ta giảm lo âu, giảm rối loạn giấc ngủ, giảm một số triệu chứng của ADHD (rối loạn tăng động, giảm chú ý).

chăn nặng
(Ảnh: Shutterstock)

1. “Chăn nặng” giúp giảm lo lắng

Rối loạn lo âu là tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan quá nhiều đến tình trạng lo lắng, sợ hãi, căng thẳng… Việc thường xuyên lo lắng hoặc lo lắng thái quá có thể khiến bạn mất tập trung, căng thẳng và luôn trong tình trạng cảnh giác. Rối loạn lo âu là một trong những tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến nhất, ảnh hưởng đến mọi người ở mọi độ tuổi khác nhau, thậm chí là trẻ em. 

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc kê đơn hoặc liệu pháp tâm lý, một nghiên cứu năm 2020 cho thấy chăn có trọng lượng cũng mang lại hiệu quả rất tốt. Theo nghiên cứu, các bệnh nhân trong bệnh viện tâm thần sử dụng chăn có trọng lượng đã giảm đáng kể mức độ lo lắng tự báo cáo so với những bệnh nhân không dùng khác. Họ được sử dụng loại chăn nặng 6,35kg, 9,07kg hoặc miếng đệm đặt lên đùi nặng 2,27kg. 

Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng và giáo sư trợ giảng tại Đại học Vanderbilt, ông Brian Wind nói rằng cảm giác nặng của chăn có trọng lượng sẽ kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm của bạn, làm giảm nhịp tim khi bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng và làm giảm bớt các chức năng cần năng lượng cao.

Hệ thần kinh đối giao cảm (PSNS – Parasympathetic Nervous System), là một trong hai bộ phận chính của hệ thần kinh tự chủ (ANS – Autonomic Nervous System), bộ phận còn lại là hệ thần kinh giao cảm. Hệ thần kinh đối giao cảm sẽ được kích hoạt khi bạn bình tĩnh, nghỉ ngơi hoặc ăn uống. Nó làm giảm hô hấp và nhịp tim, tạo ra trạng thái thư giãn. 

Giám đốc Y tế tại CityMD, bác sĩ Janette Nesheiwat nói rằng cảm giác nặng đè lên cơ thể có thể giúp giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin. Chính vì thế bạn sẽ thấy nhẹ nhàng, êm dịu, thư giãn.

2. Chăn có trọng lượng giúp cải thiện giấc ngủ

Dap chan 2
(Ảnh: Shutterstock)

1/3 số người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ ngủ ít hơn thời lượng được khuyến nghị (7 đến 9 tiếng). Thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như: Bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim, béo phì. Đắp chăn có trọng lượng là phương pháp đơn giản, không cần thuốc giúp bạn điều trị chứng mất ngủ. 

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy những bệnh nhân bị mất ngủ kinh niên trong độ tuổi từ 20 đến 66 ngủ lâu hơn và ít trở mình hơn khi được đắp một chiếc chăn có trọng lượng. Các bệnh nhân cho biết họ thấy dễ ngủ hơn khi sử dụng chăn và cảm thấy sảng khoái hơn vào buổi sáng. 

Tiến sĩ Wind cho biết độ nặng từ những chiếc chăn có trọng lượng làm giảm nhịp tim và nhịp thở của bạn, giúp cơ thể sẵn sàng rơi vào giấc ngủ. Nó cũng kích thích sản xuất melatonin để bạn ngủ ngon hơn. 

Melatonin là một hormone được sản xuất bởi tuyến tùng, đây là tuyến có kích thước bằng hạt đậu nằm ở giữa não. Melatonin có tác dụng gây buồn ngủ nên thường được sử dụng trong việc điều hòa giấc ngủ, hỗ trợ chữa mất ngủ và nhịp sinh học nhưng nó không phải là thuốc ngủ. 

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng chăn có trọng lượng có thể là công cụ bổ trợ hữu ích (cùng các liệu pháp chữa trị khác) giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ ở bệnh nhân mất ngủ.

3. Có thể làm giảm các triệu chứng ADHD

chăn nặng
(Ảnh: Shutterstock)

ADHD (Attention Deficit Hyperactivity Disorder) là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em. Đặc trưng của rối loạn này là sự hấp tấp, hiếu động thái quá (tăng động) đi kèm với việc suy giảm khả năng chú ý, tập trung. 

Hiện tại chúng ta vẫn chưa có nhiều nghiên cứu kiểm tra tác động của chăn có trọng lượng đối với ADHD. Nhưng một nghiên cứu năm 2014 cho thấy những trẻ em mắc chứng ADHD mặc áo có trọng lượng (bằng 10% trọng lượng cơ thể) có sự cải thiện đáng kể về sự tập trung, tốc độ xử lý, phản ứng tinh thần, khả năng làm việc liên tục so với các bạn không mặc áo trọng lượng. Không có sự cải thiện đáng kể nào về kiểm soát xung động hoặc tự động phát âm nào được tìm thấy. Vì nghiên cứu sử dụng áo khoác có trọng lượng, nên cần nghiên cứu thêm để xác định xem liệu chăn có trọng lượng có tác dụng tương tự hay không.

Sử dụng “chăn nặng” có rủi ro không?

Chăn có trọng lượng không mang lại nhiều rủi ro nhưng bạn cần chọn độ nặng thích hợp. Con số hợp lý là trọng lượng chăn nên xấp xỉ 10% trọng lượng cơ thể của người sử dụng. 

Tiến sĩ Wind lưu ý những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ và hen suyễn nên tránh đắp chăn có trọng lượng lớn vì nó có thể làm gián đoạn hô hấp. Người mắc chứng sợ không gian kín cũng không nên dùng loại chăn này vì nó tạo ra cảm giác ngột ngạt.

Minh Khuê
Theo Insider

Xem thêm: