Theo Đông y, đậu phụ vị ngọt, tính lạnh, có công hiệu ích khí, hòa trung, sinh tân, giải độc; đậu phụ là món ăn có giá trị dinh dưỡng thường thấy trong bữa ăn của người Việt. Tuy nhiên, món ăn dù ngon nhưng cũng không nên ăn nhiều, nhất là đậu phụ, đối với nam giới, nếu ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.

5 tác hại của đậu phụ đối với nam giới khi ăn nhiều
Đậu phụ vị ngọt, tính lạnh, có công hiệu ích khí, hòa trung, sinh tân, tuy nhiên nam giới không nên ăn nhiều (Ảnh: Shutterstock)

Thế nào là “ăn nhiều”? Trong Đông y có khái niệm: Thất nhật, nếu không phải ngũ cốc lương thực cơ bản thì chỉ nên ăn dưới 7 ngày liên tục (ví dụ: 2-3 ngày/tuần). Sau đó dừng lại 7 ngày, rồi qua tuần nữa ăn tiếp. Khi ăn nhiều, cơ thể dễ sinh phản ứng “ngán”, nuốt khó trôi. Vậy thì cũng là lúc nên dừng lại rồi.

Ăn nhiều đậu phụ không tốt cho nam giới

1. Dễ dẫn đến xơ vữa động mạch

Các chế phẩm từ đậu nành có chứa nhiều Methionin (một loại α-axit amin), dưới tác dụng của chất xúc tác, Methionin có thể chuyển hóa thành Cystein. Chất Cystein có thể làm tổn hại đến tế bào bên trong thành động mạch, khiến cho Cholesterol và Triglyceride (chất béo trung tính) lắng đọng trong thành động mạch dẫn đến xơ vữa động mạch.

2. Khiến bệnh Gout phát tác

Đậu phụ chứa tương đối nhiều chất Purine, đối với người bệnh gout việc đào thải Purine thất thường và nồng độ Axit uric trong máu cao, ăn nhiều đậu phụ dễ khiến bệnh gout phát tác.

3. Dẫn đến thiếu I-ốt

Đậu tương dùng để chế biến thành đậu phụ có chứa Saponin, chất này khiến cho I-ốt trong cơ thể bài tiết nhanh hơn. Ăn đậu phụ thường xuyên trong thời gian dài sẽ rất dễ làm cơ thể thiếu I-ốt, và dẫn đến các bệnh về thiếu I-ốt.

4. Tăng thêm gánh nặng cho thận

Trong tình huống bình thường, protein thực vật được đưa vào cơ thể trải qua quá trình chuyển hóa, cuối cùng phần lớn được phân giải thành chất thải Nitơ, và do thận bài tiết ra ngoài.

Khi con người đến tuổi già, chức năng bài tiết chất thải của thận sẽ giảm, khi đó, nếu không chú ý đến ăn uống, ăn nhiều đậu phụ cũng như nạp vào cơ thể quá nhiều protein thực vật sẽ làm chất thải chứa Nitơ tăng cao làm tăng gánh nặng cho thận, không tốt cho sức khỏe.

5. Ảnh hưởng đến khả năng sinh con

Nghiên cứu bước đầu tại phòng thực nghiệm của nhà khoa học Anh đã phát hiện: trong đậu tương có một loại chất hóa học thực vật có hại đối với tinh trùng của nam giới.

Theo Reuter đưa tin, nhà nghiên cứu của Anh cho biết, trong đậu tương có một loại chất hóa học có hại cho tinh trùng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.

Nghiên cứu của giáo sư Lynn Fraser thuộc trường King’s College London cho thấy, Genistein có thể bắt chước tác dụng Estrogen ảnh hưởng đến tinh trùng ở chuột. Bà nói tại một hội nghị về sinh đẻ: “Sự nhạy cảm với Genistein của tinh trùng ở người lớn hơn ở chuột rất nhiều”.

Trong thực nghiệm, bà còn phát hiện, dùng lượng ít loại chất hóa học này cũng có thể phá hoại tinh trùng của nam giới. Tuy nhiên phát hiện trong phòng thực nghiệm và trong hiện thực cuộc sống có thể không có liên hệ trực tiếp. Dù vậy, tiến sĩ Allan Percy thuộc Đại học Sheffield ở Anh lại nói rằng, điều đáng lo ngại là liệu những hóa chất này có ảnh hưởng đến tinh trùng trưởng thành hay không.

Thận trọng đối với phụ nữ muốn mang thai

Giáo sư Lynn Fraser nói, nếu nữ giới ăn đậu phụ và các loại thực phẩm khác có chứa nhiều genistein, ảnh hưởng so với khả năng sinh sản của nam giới có thể sẽ lớn hơn, bởi vì loại chất hóa học này sẽ gây ảnh hưởng đến thụ thai. Lynn Freser nói: “Người mẹ tiếp xúc với chất này có lẽ nguy hiểm hơn với người cha”.

Mặc dù đây là nghiên cứu bước đầu, nhưng bà Lynn Freser suy đoán, những kết luận này có thể ảnh hưởng tới phụ nữ muốn mang thai. Tại hội nghị của Hiệp hội Sinh đẻ và phôi thai học châu Âu, bà nói: “Theo những nghiên cứu của chúng tôi, nếu bạn có thói quen ăn nhiều chế phẩm đậu phụ, bạn nên hạn chế ăn trong thời kỳ rụng trứng.”

Món đậu phụ không nên ăn cùng hành lá

Đậu phụ có tác dụng thanh nhiệt, là món ăn thường thấy trong bốn mùa.

Đậu phụ có điểm khác với các món ăn khác đó là có thể phối hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau, tuy nhiên khi chế biến không nên cho hành lá, bởi vì trong hành lá có chứa axit oxalic, sẽ phản ứng với Can xi trong đậu phụ sinh ra Canxi oxalat, ảnh hưởng đến hấp thu chất can xi của cơ thể. Đậu phụ thích hợp chế biến cùng thực phẩm chứa protein.

Thanh Xuân

Xem thêm: