Kiểu ngồi vắt chéo chân là một tư thế ngồi khá phổ biến, nhất là ở phái nữ, nó giúp họ trông thanh lịch và phong cách hơn. Tuy nhiên, tư thế này cũng tiềm ẩn một số nguy cơ liên quan đến hình thể và sức khỏe.

Dưới đây là 5 lý do tại sao bạn cần cân nhắc bỏ thói quen ngồi vắt chéo chân:

1. Tê liệt cơ

Vắt chéo chân sẽ dồn áp lực lên dây thần kinh mác ở phía sau đầu gối. Bởi vậy, ngồi vắt chéo chân trong thời gian dài có thể khiến chân hoặc bàn chân của bạn bị tê liệt và giảm lượng máu lưu thông ở chân.

Lúc này, các ngón chân của bạn cũng tê buốt và cử động không đúng hướng. Nó gây ra những cơn đau râm ran như thể các cơ đang bị ghim hay kim châm vào vậy. Nếu xuất hiện tình trạng ấy, bạn hãy nhanh chóng xoa bóp mạnh phần cơ bị tê cứng để tăng cường lượng máu lưu thông trong tĩnh mạch.

ngồi vắt chéo chân
(Ảnh qua caak.mn)

2. Liệt dây thần kinh mác

Ngồi vắt chéo chân trong thời gian tương đối dài có thể gây ra bại thần kinh mác. Nó gây ra hiện tượng “foot drop”- mất khả năng nhấc mũi bàn chân hay ngón chân và gây tê cứng cổ chân tạm thời. Một nghiên cứu ở Hàn Quốc qua kiểm tra nhiều bệnh nhân cũng chỉ ra rằng ngồi chéo chân hàng giờ đồng hồ sẽ gây ra hiện tượng tê chân và ‘foot drop’.

ngồi vắt chéo chân
(Ảnh qua theguardian.com)

3. Tăng huyết áp

Nếu bạn quan sát bác sĩ đo huyết áp cho bệnh nhân, họ thường yêu cầu bệnh nhân ngồi ở tư thế không vắt chéo chân và duỗi thẳng tay. Bởi vì đó là tư thế thoải mái nhất để huyết áp ở mức bình thường và giúp trả về kết quả đúng nhất.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thường xuyên ngồi vắt chéo chân? Nó sẽ khiến huyết áp của bạn tăng lên trông thấy. Năm 2010, có bảy nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngồi vắt chéo chân sẽ khiến huyết áp tăng cao hơn. Một nghiên cứu khác, cũng thu được kết quả tương tự. Các nghiên cứu này phần lớn được thực hiện trong phạm vi nhỏ.

Tại một phòng khám ở Thổ Nhĩ Kỳ, người ta tiến hành đo huyết áp cho cùng một nhóm người với hai tư thế ngồi: vắt chéo chân và không vắt chéo chân. Kết quả chỉ ra rằng khi ngồi ở tư thế vắt chéo chân sẽ khiến huyết áp tăng cao hơn khi không vắt chéo chân. May mắn là, chỉ 3 phút sau, mức huyết áp cao đó lại trở về mức ban đầu.

Huyết áp cao tạm thời như vậy bởi vì, khi đầu gối của chân này đặt lên đầu gối của chân kia sẽ khiến máu bị đẩy ngược từ chân lên ngực. Kết quả là làm tăng lượng máu được bơm đi từ tim, dẫn đến tăng huyết áp. Một lý do nữa là, khi ngồi vắt chéo chân, các cơ bắp chân vẫn hoạt động, khiến lực cản huyết quản tăng, dẫn đến huyết áp tăng lên.

Một nghiên cứu thực hiện ở Nijgmegen, Hà Lan đã khẳng định lại kết luận trên. Nhóm nghiên cứu nhận thấy sức cản trong các mạch máu không tăng lên khi nhịp tim chậm và hai chân vắt lên nhau, tuy nhiên lượng máu đi từ tim lại tăng lên, chứng tỏ huyết áp tăng là do việc vắt chéo chân đã đẩy ngược máu về tim.

Tuy huyết áp tăng tạm thời nhưng các chuyên gia khuyến cáo những người có nguy cơ tụ máu cao không nên ngồi vắt chéo chân trong thời gian dài, bởi nó có thể cản trở lưu thông máu, làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu.

vắt chéo chân
(Ảnh qua regoslife.com)

4. Suy giãn tĩnh mạch

Vì sao ngồi vắt chéo chân lại gây suy giãn tĩnh mạch? Có chuyên gia cho rằng, nhiều van nhỏ li ti trong các mạch máu vốn giúp ngăn ngừa máu không chảy sai hướng, khi ngồi vắt chân, sẽ gia tăng áp lực tĩnh mạch và các van đó thu hẹp và yếu dần, khiến chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch vùng chân bị suy giảm.

Nguyên nhân chính gây ra suy giãn tĩnh mạch là yếu tố di truyền, tuy nhiên, hãy lưu ý rằng khi bạn có thói quen vắt chéo chân, lâu dài sẽ dễ khiến bạn bị viêm tĩnh mạch. Người bị suy giãn tĩnh mạch thường sẽ phải chịu đau đớn trong thời tiết lạnh.

(Ảnh: mediabakery.com)
(Ảnh: mediabakery.com)

5. Làm hỏng dáng

Nếu nhiều giờ đồng hồ bạn chỉ giữ nguyên tư thế ngồi vắt chéo chân thì sẽ khiến cơ thể bạn có một tư thế xấu. Ngoài ra, bạn cũng dễ bị gù vai và luôn có xu hướng nghiêng người về phía trước. Rõ ràng, tư thế đó không hề thoải mái chút nào và còn ảnh hưởng bất lợi đến tư thế của cơ thể. Nó làm căng cơ, và tư thế đó cũng không thực sự ấn tượng.

Tư thế hơi cúi đầu và nhoài người về phía trước, sẽ có thể khiến bạn xuất hiện đau cổ và đau lưng. Nó cũng có thể gây khó chịu ở vùng hông. Đồng thời, cũng khiến mất cân bằng ở khung xương chậu, dẫn đến các cơ đùi bên trong ngắn lại và các cơ đùi bên ngoài dài ra và tăng nguy cơ bị trật khớp.

Bạn hãy suy ngẫm về 5 nguy cơ nêu trên và cân nhắc xem có nên ngừng thói quen này hay không.

Một số người, đặc biệt là phái nữ, hay có thói quen ngồi vắt chéo chân, nhiều khi ngồi như vậy trong nhiều giờ đồng hồ. Hãy bỏ thói quen ấy ngay lập tức để bảo vệ sức khỏe của mình.

Ban đầu, khi thói quen ngồi sai tư thế mới hình thành, dường như bạn chưa nhận ra tác hại của nó, song về lâu về dài, hậu quả mà nó gây ra không hề nhỏ. Khi ngồi vắt chéo chân, hãy chú ý giữ lưng, giữ vai ngay ngắn, đồng thời, cần đan xen vào đó một số tư thế ngồi khác hoặc vận động đôi chút để ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe phát sinh từ tư thế ngồi vắt chéo chân này.

Theo Power of Positivity
Minh Minh

Xem thêm: