Vitamin B6 là một trong tám loại vitamin B cần thiết cho sự trao đổi chất của cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, sức khỏe tim mạch và nhiều lợi ích sức khỏe khác. 

Bạn cần bổ sung vitamin B6 hàng ngày vì chúng hòa tan trong nước, không hòa tan trong chất béo nên chúng thường xuyên bị thải ra khỏi cơ thể.

Vitamin B6 2
(Ảnh: Tatjana Baibakova/Shutterstock)

Dưới đây là những lợi ích sức khỏe của vitamin B6 và cách thêm chúng vào chế độ ăn uống của bạn.

1. Vitamin B6 giúp biến thức ăn thành năng lượng

Vitamin B6 hỗ trợ cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cùng với các vitamin B khác. Vitamin B6 giúp chuyển hóa carbohydrate và hoạt động cùng các enzym phân hủy protein thành các axit amin – hợp chất giúp cơ thể chúng ta phát triển và hoạt động bình thường.

2. Vitamin B6 hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Chuyên gia dinh dưỡng Megan Wong tại AlgaeCal  cho biết: “Vitamin B6 kết hợp với hai loại vitamin B khác, B12 và axit folic (B9), để làm giảm mức homocysteine”. 

Lượng homocysteine cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đau tim, đột quỵ và xơ vữa động mạch (căn bệnh gây ra các mảng bám tích tụ trong động mạch). 

Theo báo cáo năm 2015 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng, thiếu vitamin B6 sẽ làm tăng lượng phospho máu. Tuy nhiên, nếu bổ sung mức B6 hợp lý với B12 và B9 thì mức homocysteine có thể giảm tới 1/3. Điều quan trọng cần lưu ý là dù mức homocysteine giảm, bệnh nhân cũng không thấy ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh tim mạch. Do đó, vitamin B được cho là đang đóng vai trò phòng ngừa trong việc chăm sóc sức khỏe tim mạch.

3. Vitamin B6 thúc đẩy chức năng não khỏe mạnh

Theo chuyên gia dinh dưỡng Megan Wong, sự gia tăng mức homocysteine cũng có thể làm tăng tốc độ suy giảm nhận thức. Sự gia tăng này sẽ dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh thần kinh, như chứng sa sút trí tuệ. Ngoài việc điều chỉnh mức độ homocysteine, B6 còn đóng vai trò tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng – sứ giả hóa học được sử dụng bởi não và hệ thần kinh. 

Một số chất dẫn truyền thần kinh B6 giúp tổng hợp là:

  • Dopamine: chịu trách nhiệm tạo động lực và chuyển động.
  • Serotonin: ổn định tâm trạng, tạo ra cảm giác khỏe mạnh và hạnh phúc.
  • Melatonin: đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhịp sinh học và khả năng đi vào giấc ngủ.
  • Noradrenaline: tạo ra phản ứng ‘chiến đấu hoặc bỏ chạy’ trong cơ thể khi chúng ta nhận thấy nguy hiểm.

4. Vitamin B6 có thể giúp giảm ốm nghén

Trong thời kỳ mang thai, bà bầu thường được kê toa một viên kết hợp giữa doxylamine (một loại thuốc kháng histamine) với vitamin B6. Vitamin B6 đã được chứng minh là có khả năng làm giảm cảm giác buồn nôn, còn doxylamine có thể làm giảm nôn mửa.

phu nu co thai
(Ảnh: Shutterstock)

5. Vitamin B6 có thể điều trị co giật ở trẻ sơ sinh

Trẻ em được chẩn đoán mắc chứng động kinh phụ thuộc pyridoxine (PDE) cần từ 15-500 mg vitamin B6 mỗi ngày trong suốt cuộc đời. PDE là một tình trạng di truyền, hiếm gặp xảy ra trong vòng vài ngày sau khi trẻ được sinh ra. Đặc trưng dễ nhận thấy của tình trạng này là những cơn co giật khó kiểm soát. Nhưng vitamin B6 có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh. 

Bệnh PDE rất hiếm gặp (với 200 trường hợp được báo cáo, xảy ra vài ngày sau sinh). Đột biến trong gen ALDH7A1 là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này. Khi được điều trị tiêm tĩnh mạch với 50-100 mg vitamin B6 (còn được gọi là pyridoxine), các cơn co giật sẽ biến mất trong vòng vài phút. 

Trẻ em được chẩn đoán mắc chứng PDE cần dùng 15-30mg vitamin B6 mỗi ngày trong suốt cuộc đời, nhưng đôi khi có thể cần đến 500 mg. Người mắc chứng co giật này phải phụ thuộc vào vitamin B6 vì thuốc chống co giật truyền thống không có tác dụng.

6. Vitamin B6 nuôi dưỡng hệ thống miễn dịch khỏe mạnh

Cơ thể cần vitamin B6 để duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Chuyên gia Wong cho biết: “B6 cải thiện sự giao tiếp của các tế bào ‘truyền tin’ chemokine. Các tế bào này dẫn truyền các tế bào bạch cầu đến khu vực bị nhiễm trùng hoặc tổn thương. Sự thiếu hụt vitamin B6 có thể làm giảm sự phát triển và sản xuất của các cơ quan miễn dịch quan trọng như tế bào bạch huyết và kháng thể”.

Có 2 dạng tế bào bạch huyết đều bị thay đổi nếu thiếu B6:

  • Tế bào T: Giúp cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách kích hoạt các tế bào khác trong hệ và kiểm soát phản ứng miễn dịch với các chất lạ. Tế bào T sẽ phá hủy các tế bào đã bị virus tấn công hoặc trở thành ung thư.
  • Tế bào B: Mỗi tế bào B sẽ cùng hệ miễn dịch tạo ra một kháng thể protein nhất định để chống lại các chất lạ xâm nhập vào cơ thể (kháng nguyên). Mỗi kháng thể khớp với một kháng nguyên và được đánh dấu để phá hủy.

Một nghiên cứu năm 2006 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Âu cho thấy vitamin B6 giúp cải thiện phản ứng miễn dịch ở những bệnh nhân bị bệnh nặng. Nghiên cứu chia 51 người tham gia thành 3 nhóm: một nhóm được tiêm 50 mg B6 mỗi ngày, một nhóm tiêm 100 mg và một nhóm không tiêm. Sau 14 ngày, những người nhận được 50 đến 100 mg B6 đã thấy sự cải thiện trong các dấu hiệu phản ứng miễn dịch quan trọng như tổng số tế bào T.

Vitamin B6
(Ảnh: Tatjana Baibakova/Shutterstock)

7. Vitamin B6 giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu

“Vitamin B6 tham gia vào quá trình sản xuất hemoglobin – một loại protein cung cấp oxy cho các tế bào” – Lina Velikova, MD, PhD, nhà miễn dịch học lâm sàng và là một cố vấn y tế tại Supplements101 cho biết. 

Nồng độ hemoglobin thấp hơn bình thường là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu. Các tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể, vì vậy nếu không có đủ tế bào hồng cầu, bạn sẽ cảm thấy yếu và mệt mỏi. Duy trì lượng vitamin B6 đầy đủ là cách đơn giản giúp bạn ngăn ngừa bệnh thiếu máu.

Lượng B6 tiêu thụ hàng ngày của mỗi người tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính. Đối với từng nhân khẩu học, liều lượng vitamin B6 được khuyến nghị hàng ngày là:

Độ tuổiMức khuyến nghị (mg)
0-6 tháng0,1
7-12 tháng0,3
1-3 tuổi0,5
4-8 tuổi0,6
9-13 tuổi1,0
Nữ 14-181,2
Nam 14-501,3
Nữ 19-501,3
Nam 50+1,7
Nữ 50+1,5
Phụ nữ mang thai1,9
Phụ nữ cho con bú2,0

Vitamin B6 có sẵn trong thực phẩm và thực phẩm chức năng. Lina Velikova nói: “Cách tốt nhất để chắc chắn cơ thể có đủ loại vitamin này là tuân theo một chế độ ăn uống giàu vitamin B6”

Thực phẩm giàu B6 bao gồm: đậu phộng, thịt gà, đậu nành, yến mạch, rau bina, cam.

Nếu uống thực phẩm chức năng, bạn cần lưu ý liều lượng không vượt quá 1,4 mg một ngày cho phụ nữ trên 18 tuổi và 1,7 mg một ngày cho nam giới trên 18 tuổi. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi uống để được tư vấn về liều lượng phù hợp.

Minh Minh (Theo Insider)

Xem thêm: