Ông tổ ngành y học cổ truyền – Hải Thượng Lãn Ông từng nói: “Muốn cho ngũ tạng được yên, bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau”. Ăn ít đi có thể nhẹ bớt gánh nặng cho cơ thể, bớt gánh nặng thì các cơ quan sẽ hoạt động trơn tru hơn.

ăn ít để khỏe mạnh
‘Cơm ăn bảy phần no’ là phương châm chăm sóc sức khỏe từ xa xưa, ăn ít thức ăn thực sự có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ, không khí vui vẻ trong bữa ăn cũng rất quan trọng. (Ảnh: Monkey Business Images/Shutterstock)

‘Cơm ăn bảy phần no’ là phương châm chăm sóc sức khỏe từ xa xưa, ăn ít thức ăn thực sự có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ, hơn nữa còn giúp thân hình thon gọn. Nhưng nó có thực sự là như vậy? Ăn ít để sống lâu, có cơ sở khoa học nào không? Hãy cùng xem bài viết để tìm lời giải cho các vấn đề này nhé!

Ăn ít để sống lâu có cơ sở khoa học không?

Ăn ít đi một chút có thể giảm tải gánh nặng cho cơ thể, khi ấy các cơ quan sẽ hoạt động trơn tru hơn, cơ thể không dễ tích tụ quá nhiều chất chuyển hóa, không dễ tăng cân và rất tốt cho việc duy trì một cơ thể thon gọn. Bên cạnh đó, sự trao đổi chất của da sẽ đi vào ổn định, trạng thái sẽ tốt hơn. Với một làn da tốt, trông chúng ta sẽ trẻ hơn, so với những người ăn uống rất nhiều hàng ngày.

Susan Roberts, một nhà khoa học về chế độ ăn uống tại Đại học Tufts ở Boston, và là nhà khoa học hàng đầu trong hơn 10 năm của thử nghiệm Đánh giá Toàn diện về Hiệu quả Dài hạn của việc Giảm Lượng Năng lượng Sử dụng, còn được gọi là Calerie. Trong 2 năm, 218 nam giới và phụ nữ khỏe mạnh từ 21 đến 50 tuổi được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, mọi người được phép ăn như bình thường (ad libitum), trong khi người của nhóm còn lại ăn ít hơn 25% (CR). Mọi người ở cả 2 nhóm đều được kiểm tra sức khỏe 6 tháng một lần.

Được công bố vào năm 2015, kết quả sau 2 năm rất khả quan. Trong máu của những người bị hạn chế calo, tỷ lệ giữa cholesterol “tốt” và cholesterol “xấu” đã tăng lên, các phân tử liên quan đến sự hình thành khối u – được gọi là yếu tố hoại tử khối u (TNFs) – giảm khoảng 25%, và mức độ kháng insulin, một dấu hiệu chắc chắn của bệnh tiểu đường, giảm gần 40% so với những người ăn theo chế độ bình thường. Nhìn chung, huyết áp thấp hơn.

Thông qua kết quả nghiên cứu này, chúng ta có thể thấy rằng ăn ít thật sự rất có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ. 

Người trưởng thành (không béo phì) nếu như giảm khoảng 300 calo từ chế độ ăn uống mỗi ngày thì có thể cải thiện huyết áp và các chỉ số khác, đồng thời có lợi cho việc kiểm soát cân nặng. Nếu như bắt đầu giảm ăn từ khi còn trẻ, chúng ta sẽ trở nên khỏe mạnh và sống lâu hơn.

Nhưng không phải ai cũng biết và hiểu đúng về việc ăn ít như thế nào cho phù hợp. Ăn ít là khi tổng lượng thức ăn được nạp vào mỗi ngày ít lại một phần. Rất nhiều người ăn thêm một số bữa phụ ngoài 3 bữa ăn chính trong ngày, thậm chí còn ăn quá nhiều bữa phụ, vậy không được tính là đã giảm tổng lượng ăn vào.

ăn quá no
Ăn lượng quá nhiều khiến lượng chất dư thừa tích tụ thành mỡ làm cơ thể mập mạp, đồng thời có nguy cơ mắc nhiều bệnh tật. (Ảnh: Goodbishop/ Shutterstock)

Ngoài ra, nên ăn ít hơn trong mỗi bữa, nhưng có sự khác biệt về thể chất của từng cá nhân. Bao nhiêu là không quá nhiều và có phù hợp cho tất cả mọi người hay không vẫn chưa có một tiêu chuẩn nhất định nào, bởi vì cơ địa của mỗi người là khác nhau. Nhưng nhìn chung bạn chỉ nên ăn khoảng 70-80% mỗi bữa tùy theo tình trạng của cơ thể.

Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:

1. Ăn theo một chế độ cân bằng

Chế độ ăn uống cân bằng đề cập đến việc tiêu thụ cân bằng 6 nhóm thực phẩm bao gồm: ngũ cốc nguyên hạt; sữa; đậu, cá, trứng, thịt; rau, trái cây; dầu mỡ và quả hạch.

Nếu chỉ ăn một loại thực phẩm trong một thời gian dài, cơ thể sẽ dễ bị suy dinh dưỡng, lão hóa nhanh và xuất hiện các vấn đề khác, bệnh tật dễ tìm đến. Dù là người chỉ ăn thịt hay chỉ ăn chay lâu năm, cũng hãy chú ý ăn uống điều độ và không phải lúc nào cũng kén ăn, nên ăn một số thực phẩm như rau, cá, thịt, trứng, sữa và đưa chúng vào danh sách thực phẩm chủ yếu.

duong ruot
Nên ăn uống điều độ, không kén ăn, ăn cân bằng rau, cá, thịt, trứng và sữa. (Ảnh: Shutterstock)

2. Số lượng bữa ăn

Tốt hơn hết là nên ăn 3 bữa một ngày và ăn đúng bữa. Nếu chỉ ăn 2 bữa trong thời gian dài mà bỏ qua bữa sáng hay để quá trưa mới ăn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trong thời gian dài. 

3. Vệ sinh thực phẩm

Rau hỏng, quả thối thực chất có khá nhiều vi khuẩn hoặc chất độc hại mà mắt thường không thể nhìn thấy được, dù loại bỏ phần hư hỏng đi cũng chưa hẳn đã đảm bảo an toàn vệ sinh. Khuyến cáo mọi người hãy chú ý vệ sinh thực phẩm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ví dụ, chất aflatoxin  trong ngũ cốc nguyên hạt như lạc, ngô mốc. rất độc với gan, gây ung thư cho người và động vật, liều lượng gây tử vong tối thiểu của nó thấp hơn và độc hơn so với xyanua. Xyanua có thể gây chết người ngay lập tức, còn các triệu chứng do aflatoxin có thể được chia thành ngộ độc mãn tính và ngộ độc cấp tính tùy theo tình huống.

Khi phát hiện thực phẩm bị mốc, cần loại toàn bộ túi thực phẩm đó. Bởi vì ngay cả khi thức ăn bị mốc được lấy ra, thì thực phẩm đựng trong cùng một túi cũng đã bị nhiễm nấm mốc. Một số người còn cắt bỏ phần bị mốc trên bề mặt thực phẩm và ăn phần còn lại, nhưng sợi nấm có thể đã ngấm sâu vào thực phẩm.

Tóm lại, ăn ít đi sẽ sống lâu là có cơ sở khoa học và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, mấu chốt nằm ở chỗ phải ăn ít đúng cách, ba khuyến nghị trên rất quan trọng. Ăn ít đúng cách và hợp lý mới thực sự có lợi cho việc kéo dài tuổi thọ.

Trúc Nhi (t/h)