Thái Lan đã báo cáo trường hợp tử vong đầu tiên của một bác sĩ pháp y do nhiễm chủng virus corona mới từ một bệnh nhân đã tử vong. Theo các chuyên gia, phát hiện này đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại về vấn đề an toàn trong nhà xác và nhà tang lễ trước bối cảnh bùng phát đại dịch toàn cầu.

y te bao ho corona virus
(Ảnh: Shutterstock)

“Đây là trường hợp đầu tiên được báo cáo là nhiễm COVID-19 và thiệt mạng trong số các nhân viên y tế làm việc tại một cơ quan giám định pháp y,” theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Pháp y và Pháp lý được công bố vào hôm 12/4 vừa qua.

“Quy trình khử trùng được sử dụng trong các phòng phẫu thuật cũng có thể được áp dụng trong những cơ quan nghiên cứu bệnh học/giám định pháp y,” các tác giả Won Sriwijitalai thuộc Trung tâm y tế RVT ở Bangkok (Thái Lan) và Viroj Wiwanitkit tại Đại học Y khoa Hải Nam (Trung Quốc) cho biết. “Hiện tại, không có dữ liệu chính xác về số lượng các xác chết bị nhiễm COVID-19 bởi việc kiểm tra liệu các xác chết có bị mắc COVID-19 hay không không phải là thủ tục thường lệ ở Thái Lan.”

Với gần 1,9 triệu ca nhiễm virus corona mới được báo cáo trên toàn thế giới tính đến thứ hôm 13/4, Thái Lan chỉ báo cáo ghi nhận được 2.579 ca, mặc dù đây là một trong những quốc gia báo cáo sớm nhất các trường hợp mắc bệnh bên ngoài Trung Quốc. Cái chết của thành viên thuộc đội ngũ giám định pháp y là trường hợp thứ hai được báo cáo trong số các nhân viên y tế ở Thái Lan kể từ ngày 20/3, các tác giả cho biết thêm.

Angelique Corthals, giáo sư chuyên nghiên cứu về bệnh lý học tại Đại học Tư pháp hình sự John Jay thuộc Đại học Thành phố New York (Mỹ) cho biết: “Không chỉ các bác sĩ pháp y, mà các kỹ thuật viên trong nhà xác và người trong nhà tang lễ cũng cần phải cẩn thận hơn. Đây là một mối lo ngại thực sự.”

>> Liệu ‘bệnh nhân số 0’ có phải nhân viên Phòng thí nghiệm virus Vũ Hán?

Người ta biết rất ít về việc chủng virus corona mới có thể tồn tại bao lâu trong xác chết hoặc liệu xác chết có thể lây nhiễm cho những người xử lý chúng hay không.

Ebola là loại virus được biết đến nhiều nhất với nguy cơ lây nhiễm từ xác chết, nhưng các bệnh viêm gan, lao và dịch tả cũng có nguy cơ này, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Ở Thái Lan, báo cáo cho biết các ngôi đền đã từ chối thực hiện các dịch vụ tang lễ cho người bị nhiễm virus corona. Do đó vào ngày 25/3, người đứng đầu Sở Dịch vụ Y tế Thái Lan đã tuyên bố rằng thi thể của các nạn nhân nhiễm virus corona không phải là nguồn lây nhiễm. Tuy nhiên, một số nhân viên nhà xác trên toàn thế giới đã tỏ ra lo ngại khi các cơ sở được xây dựng một cách vội vàng để xử lý quá nhiều ca tử vong.

Chuyên gia chính sách y tế Summer Johnson McGee thuộc Đại học New Haven (Mỹ) cho biết trên tờ BuzzFeed News rằng: “Bất cứ ai tiếp xúc cơ thể dương tính với COVID19, dù còn sống hay đã chết, nên sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân để ngăn ngừa việc phơi nhiễm.”

Các điều tra viên ngày càng được yêu cầu điều tra nguyên nhân tử vong của những bệnh nhân chưa được xét nghiệm, nhằm truy tìm sự tiếp xúc với các thành viên trong gia đình, hàng xóm và đồng nghiệp đã bị phơi nhiễm.

“Việc khám nghiệm tử thi và các cuộc điều tra sau đó cho thấy rủi ro cao nhiễm COVID-19 đối với các nhân viên giám định pháp y,” bà cho biết.

Khi số lượng các bệnh nhân và nhà xác tạm thời tăng lên nhiều, nhân viên y tế xử lý thi thể người bệnh cần được ưu tiên sử dụng các thiết bị bảo vệ, cô Corthals cho hay.

“Chúng ta cần chăm lo cho những người làm việc với các xác chết.”

Theo BuzzFeed News,
Phan Anh