Về phương diện sức khỏe, nhắc đến “đường” có thể mang ý nghĩa tiêu cực, nhưng đường không nhất thiết là xấu, máu của chúng ta cần đường để tạo năng lượng. Các chuyên gia y tế tin rằng nếu bạn uống giấm táo hoặc ăn salad trộn giấm trước bữa ăn có thể giúp cân bằng lượng đường trong máu.

cân bằng lượng đường trong máu
“Bí mật” của việc cân bằng lượng đường trong máu nằm ở nhà bếp của bạn. (Ảnh: Africa Studio/Shutterstock)

Lượng đường trong máu quá thấp có thể khiến con người dễ mệt mỏi, quá cao thì lại là một vấn đề nghiêm trọng. Tiến sĩ Daniel Pompa, người tiên phong trong lĩnh vực Y học chức năng (functional medicine), đã chỉ ra rằng việc tăng insulin lặp đi lặp lại có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim, và các biến chứng khác như tăng cân, ung thư, bệnh thận và đột quỵ. Do đó, điều quan trọng nhất là tìm cách giảm lượng insulin tăng vọt và ngăn ngừa các tình trạng mãn tính này xảy ra.

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng “bí mật” để giảm lượng đường trong máu có thể đang được nằm trong nhà bếp của bạn. Họ tin rằng nếu bạn uống giấm táo hoặc ăn salad trộn giấm trước bữa ăn, nó có thể giúp cho lượng đường trong máu của bạn được cân bằng. Tuy nhiên trước khi uống giấm táo, bạn cần hiểu rõ về những điều sau đây. 

Tại sao kiểm soát insulin rất quan trọng?

Tiến sĩ Akil Palanisamy cho biết kiểm soát lượng đường trong máu là trọng tâm của việc quản lý bệnh tiểu đường. Ngoài ra duy trì lượng đường trong máu ổn định là đặc biệt quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng bệnh về tiểu đường như bệnh thần kinh, tổn thương thần kinh, bệnh võng mạc hoặc suy giảm thị lực và tổn thương thận. Mà mấu chốt chính là việc kiểm soát tốt insulin trong cơ thể.

Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm bệnh tiểu đường loại 2, béo phì, đột quỵ, bệnh tim, các vấn đề về trao đổi chất và chứng viêm mãn tính. Tiến sĩ Daniel A. Monti, chủ tịch Khoa Y học Tích hợp & Khoa học Dinh dưỡng tại Đại học Thomas Jefferson và Giám đốc điều hành của Viện Sức khỏe Tích hợp Marcus cho biết, những tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của mọi người bằng cách làm hỏng mạch máu, dây thần kinh và các cơ quan.

Cách hạ đường huyết đơn giản bằng giấm táo

công dụng của giấm táo, giấm táo
Nếu bạn cần giảm lượng đường trong máu, bạn nên uống giấm táo hoặc ăn salad dầu giấm trước bữa ăn. (Ảnh: DenisMArt/Shutterstock)

Nếu bạn cần giảm lượng đường trong máu, bạn nên uống giấm táo hoặc ăn salad dầu giấm trước bữa ăn. Tiến sĩ Monti nói rằng mặc dù không có bằng chứng rõ ràng, nhưng dữ liệu sơ bộ cho thấy rằng việc tiêu thụ giấm táo có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, đặc biệt là ở những người bị kháng insulin.

Các nghiên cứu khác cũng đã phát hiện ra giấm táo có thể giúp giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn bằng cách làm chậm tốc độ tiêu hóa carbohydrate và tăng độ nhạy insulin trong cơ thể.

Tại sao giấm táo giúp giảm đột biến insulin?

Các chuyên gia cho biết không có kết luận hoàn toàn rõ ràng rằng giấm táo có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, nhưng họ đã đưa ra một số giả thuyết như sau: Giấm táo có thể làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate, giảm tốc độ glucose đi vào máu; quá trình giải phóng glucose chậm hơn làm giảm lượng insulin mà cơ thể cần sản xuất để điều chỉnh lượng đường trong máu.

Ngoài ra, nghiên cứu tương tự cho thấy rằng tiêu thụ giấm táo thường xuyên sẽ làm giảm chất béo trung tính và cải thiện mức cholesterol HDL. Kết hợp với việc cải thiện độ nhạy insulin, đây chính điều quan trọng để giảm cân và duy trì cân nặng lâu dài. Có thể nói, giấm táo là một phần không thể thiếu trong bất kỳ chương trình giảm cân nào.

Những người không thích hợp sử dụng giấm táo

Nói chung, tiêu thụ giấm táo để ngăn insulin tăng đột biến sau bữa ăn là an toàn, nhưng các chuyên gia tin rằng có một số bệnh nhân là không nên thử. Đặc biệt, những người mắc bệnh thận mãn tính thường xuyên ăn chế độ ít kali thì không nên uống giấm táo vì nó có chứa khá nhiều kali.

Ngoài ra, giấm táo có thể làm hỏng men răng và khuyên bạn nên súc miệng kỹ bằng nước sau khi uống. Hơn nữa giấm táo cũng có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản hoặc khiến chứng ợ nóng trở nên trầm trọng hơn.