Thông thường, nếu không có biểu hiện của triệu chứng thiếu vitamin và có thói quen ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thì không cần bổ sung thêm vitamin. Chuyên gia cũng nhắc nhở, thuốc bổ sung vitamin không phải là “hoàn toàn vô hại, không gây ra tác dụng phụ” như nhiều người vẫn nghĩ, hơn nữa, nếu bổ sung quá nhiều còn có thể khiến cơ thể bị ngộ độc vitamin. 

bổ sung vitamin
Khi không có biểu hiện thiếu vitamin thì không nên sử dụng các loại thuốc để bổ sung vitamin (Ảnh minh họa pxhere.com)

Vitamin dù tốt nhưng dùng quá liều lượng cũng có thể bị ngộ độc

Vitamin là hợp chất hữu cơ cần thiết để duy trì các chức năng sinh lý bình thường của cơ thể. Đối với nhiều người hiện đại mà nói, chỉ dựa vào thức ăn để cơ thể hấp thụ vitamin thì không cách nào thỏa mãn được nguyện vọng truy cầu cơ thể khỏe mạnh, vì thế mà các loại vitamin khác nhau cũng được sản xuất ra. Họ cho rằng, mỗi ngày uống một viên thuốc nhỏ đúng giờ là có thể đạt được mục đích bổ sung vitamin, vừa có tác dụng tốt lại vừa đơn giản.

Tuy nhiên, dùng các loại thuốc bổ sung vitamin không hợp lý, có thể dẫn đến nguy hiểm do ngộ độc. Theo các bác sĩ, vitamin có thể phân thành vitamin hòa tan trong nước và vitamin hòa tan trong chất béo. Loại vitamin hòa tan trong nước chủ yếu thuộc nhóm vitamin B và C, phần lớn sẽ được bài tiết ra ngoài cơ thể, cơ thể không cách nào tồn trữ trong cơ thể trong thời gian dài, do đó cơ thể mỗi ngày cần hấp thu theo định lượng nhất định. Còn vitamin hòa tan trong chất béo chủ yếu thuộc nhóm vitamin A, D, E, K, những nhóm này không hòa tan trong nước. Do đó sẽ được tồn trữ ở gan và trong mỡ, cuối cùng được bài tiết ra ngoài cơ thể thông qua hệ bạch huyết, quá trình bài tiết cần mất nhiều thời gian.

Vitamin hòa tan trong chất béo cần phải tồn trữ trong gan và mỡ, quá trình bài tiết chậm, do đó, nếu cơ thể hấp thu nhóm vitamin này quá liều lượng trong thời gian dài thông qua thực phẩm chức năng hoặc ăn uống không cân bằng dinh dưỡng, có thể dẫn đến nguy hiểm vì ngộ độc vitamin.

Ăn uống hợp lý, không có biểu hiện thiếu vitamin rõ ràng không cần bổ sung

Nếu cơ thể không có biểu hiện thiếu vitamin rõ ràng, hơn nữa thói quen ăn uống và phối hợp đồ ăn hợp lý, thì thông thường không cần bổ sung thêm vitamin. Thực ra, nhu cầu về lượng vitamin của cơ thể rất ít, nếu đã ăn uống điều độ, cân bằng được dinh dưỡng, thì cơ thể cũng có thể tự hấp thu được đủ lượng vitamin cần thiết.

Có nên bổ sung vitamin hay không là dựa vào sự khác biệt của cơ thể mỗi người. Ví dụ như, nhóm người đi làm do cường độ công việc cao, áp lực lớn, thường xuyên thức khuya, hút thuốc, uống rượu, thói quen ăn uống hoặc ăn kiêng giảm béo dẫn đến thiếu vitamin, cơ thể sẽ thể hiện ra các triệu chứng báo hiệu tình trạng sức khỏe, lúc này, có thể sử dụng thuốc bổ sung vitamin theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, nhóm người đặc thù như phụ nữ mang thai, thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì cũng có thể sẽ cần phải bổ sung các loại vitamin đặc định, nhưng cần phải được sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng, cố gắng để cơ thể hấp thụ vitamin tự nhiên qua thức ăn là tốt nhất.

Nếu như xuất hiện các triệu chứng do thiếu vitamin, ví dụ như quáng gà, thì cần bổ sung vitamin A theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, nhưng nên chú ý, cần phải tìm được nguyên nhân từ đó mới có cách chữa trị hiệu quả. Trong bữa ăn hàng ngày có thể ăn nhiều gan động vật, lòng đỏ trứng, củ cà rốt, v.v. để bổ sung vitamin A từ tự nhiên. Bên cạnh đó, đối với sản phẩm phức hợp bổ sung nhiều loại vitamin thì cũng cần phải cẩn thận.

Vậy những người ở độ tuổi trung, lão niên thì có cần bổ sung thêm vitamin không? Chuyên gia kiến nghị, cần khám tổng quát sức khỏe, để xem có hay không triệu chứng thiếu dinh dưỡng hoặc thiếu vitamin. Đặc biệt cần chú ý một số loại vitamin khó bổ sung qua ăn uống, như vitamin D, K. Nếu có những triệu chứng liên quan đến thiếu vitamin, cần phải bổ sung theo liều lượng và thời gian trong bao lâu theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Những lưu ý trước khi dùng loại vitamin hòa tan trong chất béo

1. Vitamin A

Tác dụng: duy trì chức năng bình thường của kết mạc, giác mạc và da, v.v.

Triệu chứng thiếu: có thể dẫn tới quáng gà, khô mắt, mềm hóa giác mạc, thị lực giảm sút, bong tróc lớp sừng ở da.

Nếu trong một lần mà uống lượng lớn vitamin A, như trẻ nhỏ uống quá 75.000 đến 100.000 đơn vị quốc tế (IU), người lớn uống quá 1 triệu đơn vị, có thể xảy ra ngộ độc cấp tính. Ăn quá nhiều gan của các loài cá biển lớn cũng có thể dẫn đến ngộ độc. Người bị ngộ độc cấp tính, trung khu thần kinh sẽ có các triệu chứng như nặng đầu, đau đầu, buồn nôn, nặng bụng, đau bụng, v.v. Người bị trúng độc mạn tính, thời kỳ đầu gan sẽ bị sưng to, thời kỳ cuối sẽ bị xơ gan và xuất hiện nhọt ở tĩnh mạch thực quản. Da khô, da bị bong tróc, rụng tóc, móng tay giòn, viêm họng.

Ngộ độc vitamin A cũng sẽ có các triệu chứng kèm theo khác như đau xương, trẻ nhỏ không tăng chiều cao được; cũng có thể dẫn tới hiện tượng thai bị dị dạng; khi cho trẻ nhỏ sử dụng chế phẩm dầu làm từ gan cá, cũng cần phải cẩn thận không được dùng nhiều.

2. Vitamin D

Tác dụng: duy trì và điều hòa nồng độ canxi và phốt pho bình thường trong huyết tương.

Biểu hiện khi thiếu: có thể dẫn tới bệnh còi xương ở trẻ em, người lớn có thể bị loãng xương.

Khi dùng quá: các cơ không có lực, lượng canxi trong máu cao, đau nhức xương, protein niệu bất thường, chức năng của thận bị giảm sút.

Trường hợp thường thấy là không biết rằng sử dụng vitamin D quá nhiều trong thời gian dài sẽ dẫn đến lượng canxi trong máu tăng cao, ý thức không rõ ràng, sỏi thận; huyết quản, cơ thịt, cơ quan trong cơ thể bị vôi hóa; xuất hiện triệu chứng tổn thương tim mạch nghiêm trọng. Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm có hoạt tính vitamin D, tuy nhiên hiệu quả càng mạnh thì càng không được dùng quá liều lượng.

3. Vitamin E

Tác dụng: chủ yếu là chống ô xi hóa

Biểu hiện khi thiếu: gây vô sinh và bệnh về mạch máu não.

Khi dùng quá liều lượng: cơ bắp không có sức, buồn nôn, rối loạn chuyển hóa nội tiết, ở nữ giới khiến kinh nguyệt nhiều hoặc bị tắc, khi bị rối loạn nội tố khiến nồng độ oestrogen cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.

4. Vitamin K

Tác dụng: liên quan đến khả năng đông máu.

Triệu chứng khi thiếu: chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu niêm mạc da, v.v.

Thực tế, đại đa số đều không cần mỗi ngày phải uống bổ sung vitamin, nhất là vitamin có đơn vị cao. Bất cứ loại vitamin nào cũng không thể thay thế được tính quan trọng của việc ăn uống cân bằng và lành mạnh để bổ sung vitamin tự nhiên, uống vitamin quá liều lượng sẽ gây hại cho cơ thể. Đối với những bệnh nhân không thể bổ sung vitamin bằng cách ăn uống đầy đủ chất, thì cần bổ sung vitamin theo chỉ dẫn của bác sĩ. Chú ý không tự sử dụng vitamin đơn vị cao.

Thanh Xuân

Xem thêm: