Ngày 20/11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phát cảnh báo có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh Whitmore (thường gọi bệnh “vi khuẩn ăn thịt người”) trong thời gian tới tại các tỉnh miền Trung do môi trường bị ô nhiễm sau mưa lũ.

whiitmore
Một bệnh nhân Whitmore đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Huế. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp/baothuathienhue.vn)

Bộ Y tế đã có văn bản khẩn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định tăng cường giám sát tình hình bệnh Whitmore, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới.

Cơ quan y tế ghi nhận sau các mưa lũ liên tiếp, vệ sinh môi trường tại các vùng dân cư tại các tỉnh Miền Trung bị ô nhiễm đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle – vi khuẩn gây bệnh Whitmore sinh sôi, phát triển.

Theo thông tin trước đó từ Bệnh viện Trung ương Huế, trong 6 năm từ 2014 đến 2019 trước đó, bệnh viện này ghi nhận có khoảng 83 trường hợp nhiễm bệnh Whitmore, trung bình mỗi năm 14 ca; hơn 10 tháng của năm 2020 đã nhận 39 ca.

Trong đó, trong 9 tháng đầu năm 2020, ghi nhận 11 bệnh nhân, nhưng từ tháng 10 đến giữa tháng 11, đã tăng đột biến thêm 28 bệnh nhân nhiễm mới. 50% bệnh nhân đến từ các vùng ngoại tỉnh, ở Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…; 50% bệnh nhân đến từ Thừa Thiên Huế.

Đáng lưu ý, nhiều bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng…, điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh Whitmore trong thời gian tới ở nhiều tỉnh, thành trong khu vực.

Tại Việt Nam, bệnh Whitmore được mô tả lần đầu tiên vào năm 1925 tại TP.HCM, sau đó là Hà Nội và Huế. Vi khuẩn gây bệnh Whitmore thường được tìm thấy trong nước bẩn, đất bị ô nhiễm, lây sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh Whitmore thường gặp nhất vào mùa mưa, chiếm khoảng 75-81% ca bệnh và được xem là loại bệnh truyền nhiễm cơ hội. Vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei nguy hiểm đến mức được coi là tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học.

Để phòng bệnh Whitmore, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp như sau:

  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.
  • Ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.
  • Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.
  • Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
  • Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch … cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
  • Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyễn Quân