Bạn bị cảm lạnh? Có lẽ bạn nên thử chữa bệnh bằng phương pháp dân gian của người Ấn Độ trước khi đi đến hiệu thuốc.

chữa bệnh dân gian Ấn Độ
Trị bệnh dân gian Ấn Độ. (Ảnh: Pixabay + Wikimedia)

Sữa nghệ (Turmeric Latte) hay còn được gọi là sữa vàng (golden milk) phổ biến rộng rãi ở các nước phương Tây và người Ấn Độ phải cảm ơn các bà mẹ của họ vì đã nhìn thấy trước sự nổi tiếng của loại thức uống này. Tôi đã được cho uống sữa ấm với nghệ (tiếng Ấn Độ gọi là haldi doodh) để điều trị triệu chứng cảm lạnh hay đau họng. Đôi khi tỏi được thêm vào như một chất khử trùng. Khi còn nhỏ, tôi ghét nó. Khi trưởng thành, tôi vô cùng tin tưởng nó. Có rất nhiều biện pháp chữa bệnh tại nhà tương tự, được truyền lại từ bà và mẹ của chúng tôi, mà giá trị của chúng chỉ được tôi khám phá ra khi đã trưởng thành. Một số phương thuốc liên quan đến rượu cũng vậy – rượu mạnh xoa lên ngực giúp giải thoát khỏi tình trạng sung huyết, và một cốc rượu feni (một loại rượu truyền thống của Ấn Độ) với đường làm sạch các xoang bị tắc trong nháy mắt.

Những phương thuốc đơn giản này là sự kết hợp của các loại thảo mộc và gia vị, dễ dàng có sẵn trong nhà bếp và trong vườn. Phần tốt nhất là: không có tác dụng phụ.

Xử lý cơn đau bụng

Một loại rượu nhẹ ủ từ cây thì là, một nhúm ajwain (hạt carom) và vavding (gần giống hạt tiêu đen), pha loãng với nước ấm, là một phương thuốc cổ truyền chữa đau bụng. Nandita Godbole, tác giả viết sách dạy nấu ăn và tiểu thuyết ở Mumbai hiện đang định cư ở Atlanta cho biết: “Tôi đã cho con gái uống loại rượu này mỗi ngày trong hai năm và không bao giờ phải lo con đau bụng.” Khi đi du lịch, họ thậm chí còn mang theo một ấm đun nước nhỏ và một lọ hạt giống.

Tại sao nó có tác dụng: Loại rượu này hữu ích để điều trị các vấn đề về tiêu hóa, hạt ajwain có tác dụng làm giảm khí trong dạ dày.

Giảm cơn đau tai

Bạn có bị đau tai do tích tụ ráy tai? Hãy thử dùng lá genda (cúc vạn thọ) – nghiền nát chúng, lọc lấy nước và nhỏ trực tiếp vào tai. Vidha Saumya, một nghệ sĩ Ấn Độ tại Helsinki, cho biết đây là một mẹo được sử dụng trong gia đình cô. “Nước lá cúc vạn thọ làm cho ráy tai bật ra, làm cho việc làm sạch trở nên dễ dàng.” Tuy nhiên, phương thuốc này không nên được sử dụng cho các nguyên nhân gây đau tai khác.

Tại sao nó có tác dụng: “Lá cúc vạn thọ có đặc tính sát trùng và kháng khuẩn tự nhiên giúp điều trị đau tai. Nước của nó có thứ mà chúng ta gọi là “độ nhám” và nó giúp làm sạch ráy tai.

Su tich cuc van tho 13 830x366 image
Lá genda (cúc vạn thọ)

Chữa tiêu chảy

Nhiều người Ấn Độ tin dùng hạt nhục đậu khấu để điều trị bệnh tiêu hóa trong chữa bệnh dân gian. Trong trường hợp bị tiêu chảy hãy thử cách này: Dùng cối nghiền hạt nhục đậu khấu và tạo hỗn hợp hạt nhục đậu khấu với nước, đủ để đổ đầy hai thìa. Bỏ hỗn hợp vào một cái bát thép nhỏ với hai nhúm đường thốt nốt (một dạng đường mía), nửa muỗng cà phê bột gừng và nửa muỗng cà phê bơ ghee tự chế (nguyên chất). Đun nhẹ cho đến khi nó bắt đầu nổi bong bóng, sau đó làm mát nó. Cô Nisha Abhyankar, giáo viên âm nhạc ở Mumbai, người đã sử dụng phương thuốc này khi bất cứ ai trong gia đình bị đau bụng khuyên: “Hãy ăn nó một cách chậm rãi. Để một ít lên lưỡi của bạn và để nó tự tan.” Cô giải thích thêm: “Mặc dù nó có thể được sử dụng cho mọi lứa tuổi nhưng hạt nhục đậu khấu có thể gây buồn ngủ ở trẻ em nếu dùng với liều lượng lớn.” 

loi ich than ky tu hat dau khau ban da biet11513236906 image
Hạt nhục đậu khấu

Tại sao nó có tác dụng: Khả năng hấp thụ của bột gừng và đường thốt nốt giúp đảm bảo rằng các chất dinh dưỡng vẫn còn trong cơ thể và chỉ có chất thải được loại bỏ. Bơ Ghee hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hạt nhục đậu khấu giúp điều hòa dịch vị.

Giảm bệnh Eczema

Củ nghệ thường được sử dụng như một chất khử trùng. Làm tan chảy đường thốt nốt với bột nghệ để tạo thành hỗn hợp sệt và bôi lên vùng bị ảnh hưởng. Sử dụng bánh atte ka roti (một loại bánh làm từ bột mì) như một cái băng và buộc lại bằng vải. “Đường thốt nốt nóng làm cho chỗ nhiễm trùng chảy ra, bột nghệ khử trùng và bánh roti giúp giữ nhiệt”, ông Saumya nói.

Tại sao nó có tác dụng: “Trong y học cổ đại Ấn Độ (Ayurveda), người ta tin rằng những bệnh ngoài da này là do sự tích tụ chất độc. Hỗn hợp được đun nóng giúp cải thiện sự tuần hoàn mao mạch và giải quyết bất kỳ tắc nghẽn nào trong khu vực, làm sạch da.” Samir Tambe, bác sĩ Ayurvedic có trụ sở tại Mumbai cho biết.

Làm êm cơn đau dạ dày

Brahmakshi Thevar, một bà nội trợ ở Mumbai nói rằng phương thuốc chữa bệnh dân gian sau đây giúp trị chứng đau dạ dày khó chịu đã được sử dụng trong một thế kỷ ở gia đình bà. Công thức của bà là: Rang hai muỗng cà phê hạt ajwain bằng tawa (một loại chảo phẳng). Đến khi dậy mùi thơm thì bọc vào một miếng vải muslin sạch hoặc khăn tay. Vặn chặt lại và đặt nó lên rốn. Nhưng hãy đảm bảo rằng nó không quá nóng.

Tại sao nó có tác dụng: Phương pháp này phổ biến trong y học Ayurveda như một thuốc giảm đau. Hạt ajwain giúp hút ra các tạp chất từ dạ dày thông qua các lỗ chân lông và nhiệt giúp lưu thông máu tốt hơn.”

Một số phương pháp chữa bệnh dân gian khác:

  • Làm nóng một bó nhỏ muối biển thô trong một miếng vải muslin và đặt bên dưới tai khi bị đau tai (cũng có thể được sử dụng cho đau răng).
  • Để điều trị cảm lạnh, làm nóng dầu mù tạt với hạt nigella và tỏi rồi xoa nhẹ lên lưng và ngực khi dung dịch vẫn còn ấm.
  • Để tránh đầy hơi hoặc khó tiêu do axit dạ dày, hãy dùng hỗn hợp này thường xuyên: Thêm một lượng nhỏ hing (asafoetida – cây a ngùy) và muối đá đen vào bơ sữa.
  • Đối với một cơn đau dạ dày, hãy nướng một miếng gừng trên một tawa nóng và nhấm nháp nó. Hoặc nhấm nháp một quả chanh với một ít muối đá rắc lên trên, cây hing hoặc hạt ajwain làm nóng.
  • Đối với nghẹt mũi, hãy nghiền nát một nắm cây ajwain trong một cốc nước sôi, thêm mật ong và uống nóng.

Ngọc Chi biên dịch (Nguồn: Ozy.com)
(Bài viết chỉ mang tính tham khảo)