Canada đã hủy thỏa thuận phát triển vắc-xin COVID-19 với Công ty Công nghệ Sinh học CanSino của Trung Quốc vì lý do vận chuyển thuốc chậm trễ.

59acc46a ef51 4ad2 a8f3 1abafed0d1e9 zsize
Hình ảnh lọ thuốc vắc-xin virus corona mới tái tổ hợp được lan truyền trên mạng (Ảnh chụp màn hình từ Baidu)

Đầu tuần này, CanSino đã phủ nhận chuyện hợp tác bị hủy bỏ, tuy nhiên Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada (NRC), một cơ quan do chính phủ tài trợ đã xác nhận rằng, các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc-xin Ad5-nCoV sẽ không được tiến hành ở Canada.

Hội đồng cho biết: “Do CanSino vận chuyển vắc-xin COVID-19 đến Canada chậm, và vì CanSino hiện đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 tại nơi khác, cơ hội cụ thể này đã qua và NRC đang tập trung đội ngũ và cơ sở vật chất của mình vào những ưu tiên khác.”

NRC đã ký thỏa thuận với CanSino thực hiện thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng Năm. Hôm thứ Năm (27/8), CanSino niêm yết tại Hồng Kông đã trình lên sàn giao dịch chứng khoán của thành phố tuyên bố phủ nhận việc hợp tác với Canada bị đổ vỡ theo như truyền thông đưa tin.

Vắc-xin viêm phổi Vũ Hán Ad5-nCoV do nhóm nghiên cứu Trần Vi (Chen Wei) của Học viện Khoa học Quân sự và Công ty Công nghệ Sinh học CanSino hợp tác phát triển nộp đơn xin cấp bằng sáng chế vào ngày 18/3 năm nay và được cấp phép vào ngày 11/8, trở thành bằng sáng chế vắc-xin ngừa virus corona mới đầu tiên của Trung Quốc. 

Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada nói rằng họ đã chuyển sang tập trung hợp tác với đối tác Bắc Mỹ và đang làm việc với VBI có trụ sở tại Massachusetts và Tổ chức vắc-xin và bệnh truyền nhiễm của Đại học Saskatchewan – Trung tâm vắc-xin quốc tế, đồng thời tìm kiếm các đối tác khác.

Giai đoạn thử nghiệm vốn được lên lịch vào đầu tháng Sáu nhưng CanSino bị từ chối cấp phép cho chuyển vắc-xin đi. Hội đồng cho biết sau khi ký thỏa thuận, chính quyền Trung Quốc thay đổi quy trình liên quan đến việc vận chuyển vắc-xin đến các quốc gia khác. Quy trình này không được làm rõ với NRC nhưng CanSino không có thẩm quyền để chuyển vắc-xin đi vào thời điểm đó.

Hiện vẫn chưa rõ liệu có phải căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia này khiến việc xuất vắc-xin đi thử nghiệm tại nước khác bị chậm trễ hay không. Nhưng NRC nhấn mạnh rằng, thỏa thuận đã được đồng ý bởi chính quyền Trung Quốc – Học viện Công nghệ và Ủy ban Khoa học Công Nghệ Bắc Kinh – cơ quan cung cấp vốn cho CanSino. Chính quyền Trung Quốc không có bất kỳ tuyên bố công khai nào về việc thay đổi những yêu cầu vận chuyển vắc-xin trong khi hải quan không trả lời câu hỏi về nguyên nhân giữ lại hàng.

Hôm thứ Ba, trang Globe and Mail đưa tin rằng CEO của CanSino, ông Xuefeng Yu nói với tờ báo rằng, nguyên nhân của vụ việc là do cách làm việc quan liêu của quan chức nhà nước. Nhưng hôm thứ Năm (27/8), công ty CanSino đưa ra tuyên bố rằng không có nhân viên quản lý nào của hãng đã nói như vậy với truyền thông.

CanSino đã không đưa ra bình luận khi được yêu cầu.

Giai đoạn thử nghiệm 3 của vắc-xin Ad5-nCoV đang được triển khai tại Ả Rập Saudi và Nga. Trước đó vào cuối tháng Sáu năm nay, giới chức Trung Quốc thông báo rằng loại vắc-xin này đã được Quân ủy Trung ương phê duyệt và có thể bỏ qua các thử nghiệm giai đoạn III như thông lệ, đồng thời tiêm trực tiếp cho quân nhân.

Sau đó, một báo cáo của Tập san Y khoa The Lancet tiết lộ, trong số 108 người được tiêm loại vắc-xin này, 70% đến 80% có phản ứng bất lợi, 54% bị đau tại chỗ tiêm và 46% xuất hiện các triệu chứng sốt, 44% cảm thấy mệt mỏi, 39% cảm thấy đau đầu và 17% cảm thấy đau cơ. Do đó, báo cáo cho rằng hiệu quả của việc sử dụng Ad5 như một chất dẫn để tái tổ hợp virus viêm phổi Vũ Hán vẫn còn phải được nghiên cứu thêm.

Tuyết Mai (theo SCMP)

Xem thêm: