Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp ở Hàn Quốc, Ý, Iran. Việt Nam đã dừng nhập cảnh người đến hoặc đi qua vùng có dịch của Hàn Quốc.

2020 02 18t205109z 1645409347 rc243f9ecyr0 rtrmadp 3 china health 0

Trung Quốc Đại lục (*)

  • Bà Trương Dĩnh, phó giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh tỉnh Thiên Tân, cho rằng nước này cần ít nhất 28 ngày không có ca nhiễm mới để xác định nCoV đã được khống chế thành công.
  • Các nhà khoa học tại Đại học Thiên Tân cho biết họ đã phát triển được loại vắc-xin uống cho COVID-19. Đại học Thiên Tân hiện đang tìm kiếm đối tác để thử nghiệm lâm sàng loại vắc-xin mới này.

Những tin đã đưa sáng 25/2:

  • UB Y tế Nhà nước Trung Quốc sáng 25/2 công bố số ca nhiễm là 77.659, tăng 314 ca so với hôm qua. Số ca tử vong là 2.663, tăng 70 ca so với hôm qua.
  • Ngày 24/2, Ủy ban kiểm tra kỷ luật tỉnh Hồ Bắc đã công bố “9 vấn đề điển hình về việc vi phạm quy định kỷ luật trong công tác phòng chống dịch và về sự bất lực trong việc hoàn thành trách nhiệm và chức vụ”, trong đó gồm danh sách 10 quan chức tỉnh Hồ Bắc bị xử lý (cách chức hoặc cảnh cáo) vì vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh và xao lãng nhiệm vụ. 
  • Ông Bruce Aylward, trưởng nhóm chuyên gia WHO đến Trung Quốc và Vũ Hán cuối tuần trước, đã ca ngợi công tác dập dịch của Trung Quốc là “phi thường” và “tham vọng, linh động nhất” trong lịch sử. Ông Aylward nói rằng thế giới “mắc nợ” Trung Quốc vì nước này đã kịp thời phong thành để hạn chế tốc độ lây lan của virus corona ra thế giới. Ông này cũng khẳng định số liệu giảm ca nhiễm mới ở đây là đáng tin: “Nhiều nguồn dữ liệu đều chỉ ra cùng một điều: Số ca nhiễm virus corona chủng mới ở Trung Quốc đại lục đang giảm nhờ vào những biện pháp đã được tiến hành.”
  • Phóng viên chuyên về an ninh quốc gia Jenna McLaughlin trên Yahoo News mới đây tiết lộ giới tình báo Hoa Kỳ đã phát hiện dấu hiệu cho thấy các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đang xây dựng các kế hoạch thoát hiểm khẩn cấp khỏi Trung Quốc – một dấu hiệu cho thấy mức độ lo lắng tiềm ẩn của nội bộ Bắc Kinh đối với dịch bệnh.

(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung Quốc công bố. 

toi2502

Xem thêm:

Thế giới

  • Iran: Thứ trưởng Bộ Y tế Iran Iraj Harirchi đã bị nhiễm virus corona mới. Ngoài ra, một nghị sĩ Iran, ông Mahmoud Sadeghi cũng vừa cho biết mình đã dương tính với nCoV trên Twitter của mình. Ông Mahmoud chỉ trích chính phủ Iran che giấu thông tin về dịch bệnh. Bộ Y tế Iran hôm nay thông báo thêm 3 ca tử vong và 35 ca nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 16 và số ca nhiễm là 95. Trong khi trước đó theo 1 nguồn tin của 1 Nghị sĩ Iran thì số người tử vong tại nước này đã là 50. Đây là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất ngoài Trung Quốc. Tất cả các nước láng giềng có người nhiễm COVID-19 đều là người đến từ Iran. Bộ Y tế Iran đã kêu gọi người dân ở trong nhà.
  • Các nước gần Iran tiếp tục có số ca nhiễm tăng: Bahrain và Kuwait mỗi nước đã có 8 người nhiễm; Iraq thêm 4 trường hợp so với ngày hôm qua, lên 5 ca nhiễm.
  • Ý: số ca nhiễm tại Ý tiếp tục tăng mạnh với 287 ca nhiễm, tăng 70 ca so với ngày hôm qua. Ý cũng có thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 7. Các ca nhiễm chủ yếu ở vùng Lombardy và Veneto, tuy nhiên Ý đã ghi nhận các ca nhiễm virus corona đầu tiên ở quần đảo Sicily và vùng Tuscany, nơi có thành phố du lịch nổi tiếng Florence. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã chỉ trích ban lãnh đạo một bệnh viện ở miền bắc nước này (không nói rõ tên) đã khiến nCoV lây lan mạnh hơn. Hiện giới chức y tế nước này vẫn chưa tìm được “Bệnh nhân số 0”.
  • Áo và Croatia lần đầu tiên xác nhận ca nhiễm mới. Áo có 2 trường hợp nhiễm COVID-19, Croatia có 1 trường hợp.
  • Hàn Quốc: đến cuối ngày 25/2, Hàn Quốc có tổng cộng 977 ca nhiễm, tăng 144 ca so với ngày hôm qua. Số ca tử vong cũng tăng thêm 4 ca, tổng 11 trường hợp. Quân đội đã báo cáo 13 trường hợp nhiễm virus. Điều đáng lo ngại hiện nay tại Hàn Quốc là nguy cơ xuất hiện các cụm dịch mới ngoài Daegu. Điển hình là một mục sư tại nhà thờ Myungsung ở phía đông thủ đô Seoul, ông này đã tham dự buổi lễ hôm 16/2 với 2.000 người. Một thành viên phi hành đoàn của hãng hàng không Korean Air dương tính với virus. Hiện chưa rõ lịch trình và các chuyến bay mà thành viên này đã tham gia. Ở Busan, 21 trong số 38 trường hợp được xác nhận hôm nay liên quan đến một nhà thờ trong thành phố.
  • Hồng Kông tiếp tục đóng cửa trường học cho đến ngày 20/4 vì những lo ngại về nguy cơ lây nhiễm virus corona ở đặc khu. Theo kế hoạch trước đó, học sinh trở lại lớp vào ngày 16/3.
  • Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản ghi nhận các ca nhiễm mới. Thái Lan thêm 2 ca, tổng 37. Đài Loan thêm 1 ca, tổng 31. Nhật Bản thêm 1 ca so với ban sáng, tổng 160.
  • Du thuyền Diamond Princess ngày 25/2 cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong do COVID-19 là một hành khách ở độ tuổi 80. Như vậy, tổng cộng đã có 4 ca tử vong do nhiễm bệnh trên du thuyền, tất cả đều là người ở độ tuổi 80.
  • Bộ trưởng Y tế Nhật Bản hôm 25/2 cho biết vẫn còn quá sớm để nói về việc hủy bỏ Thế vận hội Tokyo mùa hè, dự kiến bắt đầu vào ngày 24/7 tới. Hôm 21/2, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết Olympic và Paralympic Tokyo sẽ diễn ra theo kế hoạch.
  • Thổ Nhĩ Kỳ: Một chuyến bay của hãng hàng không Turkish Airlines từ Iran chuyển hướng tới Ankara thay vì điểm đến Istanbul do 17 hành khách bị nghi nhiễm nCoV. Trong số 17 người này có 12 người tới từ vùng Qom ở Iran. Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các hành khách và phi hành đoàn đều sẽ được xét nghiệm nCoV và bị cách ly trong 14 ngày. Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa biên giới với Iran và cắt giảm các chuyến bay đến Iran.
  • Hàng loạt nền kinh tế lớn nguy cơ suy thoái do dịch COVID-19 như Nhật, Hàn Quốc, Ý, Đức, Hồng Kông, Singapore.

Những tin đã đưa sáng 25/2:

  • Hàn Quốc sáng 25/2 báo có 60 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 893. Khoảng 60% số ca nhiễm tại Hàn Quốc hiện có liên quan tới các nhà thờ Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu. Chính quyền nước này cho biết sẽ nhanh chóng xét nghiệm virus corona chủng mới đối với tất cả tín đồ của Tân Thiên Địa sau khi có danh sách.
  • WHO: Tại cuộc họp báo ở Geneva ngày 24/2, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định COVID-19 có khả năng trở thành một đại dịch, tuy nhiên nói rằng tình hình vẫn chưa đạt đến mức độ này. Ông cảnh báo mọi quốc gia cần đề cao cảnh giác. Ông Tedros cho biết virus này có thể được khống chế, đồng thời ca ngợi các nỗ lực của Trung Quốc giúp ngăn chặn dịch bệnh không lan rộng hơn.
  • Ý: tình hình dịch bệnh tại Ý ngày càng nghiêm trọng khi đã có 229 ca nhiễm và 7 ca tử vong, theo Cơ quan bảo vệ dân sự quốc gia của Ý. Trong đó, riêng khu vực Lombardy đã có 165 ca nhiễm, cao nhất cả nước. 11 thị trấn, gồm 10 ở vùng Lombardy và 1 ở vùng lân cận Veneto, với tổng cộng khoảng 50.000 người dân đang bị cách ly nghiêm ngặt. Hiện các tụ điểm đông người như quán bar, nhà hàng và vũ trường phải đóng cửa; Tuần lễ thời trang Milan, Lễ hội Venice, các trận bóng Serie A bị hoãn lại; các buổi biểu diễn opera ở Milan cũng bị huỷ bỏ.
  • Một nhóm các chuyên gia của WHO đã đến Ý để hỗ trợ chống dịch.
  • Pháp cho biết không cần phải đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của virus ở Ý.
  • Oman là nước Trung Đông tiếp theo có ca nhiễm virus corona mới. Hiện đã có các nước Afghanistan, Iraq, Kuwait, Lebanon, Bahrain, Israel phát hiện các ca nhiễm COVID-19, tất cả đều bắt nguồn từ Iran.
  • Mỹ có thêm 18 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 53. Các ca nhiễm mới đều là những người vừa về từ tàu Diamond Princess. Chính quyền Tổng thống Trump đang gửi tới Quốc hội Hoa Kỳ một yêu cầu ngân sách 2,5 tỷ USD để đối phó với dịch bệnh, Nhà Trắng cho biết hôm 24/2. Ông Trump cũng mới cho biết Mỹ có thể kiểm soát được dịch bệnh trong nước.
  • Hàn Quốc và Mỹ đang xem xét giảm quy mô các cuộc tập trận chung do những lo ngại liên quan tới dịch bệnh.
  • Nhật Bản: số ca nhiễm tiếp tục tăng với 13 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 159.
  • Hồng Kông có 2 ca nhiễm mới, tổng số ca nhiễm tăng lên 81 ca. Hai ca nhiễm mới này là những người trở về từ du thuyền Diamond Princess.
  • Các nước Canada, Singapore, Tây Ban Nha mỗi nước có thêm 1 ca nhiễm mới. Ca nhiễm ở Tây Ban Nha là một người quốc tịch Ý.
  • Ủy ban châu Âu (EC) ngày 24/2 thông báo sẽ đóng góp 124 triệu USD cho WHO để hỗ trợ cho kế hoạch phản ứng khẩn cấp với dịch bệnh COVID-19. Đây là khoản đóng góp lớn nhất mà WHO nhận được kể từ khi lên tiếng kêu gọi các nước hỗ trợ để đối phó với dịch bệnh.
  • Iran cho biết đã tự sản xuất được bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Hãng thông tấn Fars đưa tin Iran đã bắt đầu sản xuất đại trà bộ xét nghiệm virus sau khi trải qua các quy trình kiểm nghiệm và thẩm định cần thiết về độ chính xác. Hiện Iran là một trong 5 nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Xem thêm:

Việt Nam

  • Theo chỉ thị của Thủ tướng ngày 25/2, Việt Nam dừng nhập cảnh người đến hoặc đi qua vùng có dịch của Hàn Quốc. Những người nhập cảnh Việt Nam vì mục đích công vụ hoặc trường hợp đặc biệt phải khai báo y tế và cách ly tập trung 14 ngày.
  • Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến các vùng có dịch, trừ trường hợp cần thiết; nếu vẫn đi thì khi nhập cảnh trở lại Việt Nam phải cách ly tập trung 14 ngày.
  • Sở LĐTBXH TP.HCM kiến nghị tạm ngừng cấp giấy phép lao động cho người đến từ vùng dịch của Hàn Quốc, tức tỉnh Daegu và Bắc Gyeongsang.
  • Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV của TP HCM tối 25/2, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, đã đề xuất cho trẻ lớp lá (trên 5 tuổi) và học sinh lớp 5 đi học lại nhưng không tổ chức ăn sáng, không bán trú. Các lớp còn lại của cấp mầm non và tiểu học sẽ có thông báo sau. Ở bậc THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, ngày 2/3 học sinh lớp 9 và 12 đi học trở lại nhưng không học buổi thứ hai và bán trú. Các lớp còn lại ở hai bậc này và trung tâm kỹ năng sống, ngoại ngữ, dạy thêm sẽ đi học lại từ ngày 16/3.
  • Tại cuộc họp trực tuyến do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức chiều 25/2, Giám đốc Sở khẳng định thành phố đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh nếu đi học trở lại vào ngày 2/3. Các quận, huyện cần rà soát học sinh, giáo viên đi từ vùng dịch về, chuẩn bị nhiệt kế điện tử, lắp thêm vòi nước để phòng dịch.
  • Trước yêu cầu của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung là mỗi lớp học có một nhiệt kế điện tử để đo thân nhiệt cho học sinh hai lần mỗi ngày, đa số lãnh đạo quận, huyện cho biết không chuẩn bị đủ.
  • Đà Nẵng thống nhất phương án đưa nhóm khách đến từ thành phố Daegu về lại Hàn Quốc trong tối 25/2. Quyết định trên được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đưa ra sau cuộc họp với Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, đại diện hãng hàng không. Máy bay sẽ đáp xuống sân bay Incheon (Hàn Quốc) vì đường bay thẳng đến Daegu đã bị cắt.
  • Khánh Hòa cách ly 5 du học sinh về từ Daegu tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa. Sức khỏe của các sinh viên đều ổn định, không ho hay sốt. Các chuyến bay từ Daegu đến Cam Ranh đã ngừng hoạt động từ hôm 22/2 nên các sinh viên đã đi từ Daegu đến Busan để về Việt Nam.
  • Trưa 25/2, 82 người Vĩnh Phúc có tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV cách ly ở Trường Quân sự tỉnh đã được về nhà sau 14 ngày.
  • Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sáng 25/2 tuyên bố Việt Nam đã thắng trong trận đầu tiên chống dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo giai đoạn mới của cuộc chiến sẽ khó lường. Ông Đam cho biết người cuối cùng trong số 16 ca nhiễm virus corona tại Việt Nam đã khỏi bệnh hoàn toàn, Việt Nam 13 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm mới, và Việt Nam đã xử lý tốt đối với người về/đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và còn thêm các nước khác.
  • Lãnh đạo phụ trách công tác truyền thông của Bộ Y tế cho biết tất cả thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam đều được công khai, không giấu dịch.

Dịch corona và thất bại trong việc quản trị xã hội dân sự của ĐCSTQ

Những tin đã đưa sáng 25/2:

  • Đà Nẵng: 20 du khách Hàn Quốc đến từ vùng dịch Daegu từ chối vào khu cách ly. Những người này cho rằng họ không bị bệnh và đến Đà Nẵng để tham quan nên không chịu cách ly ở Bệnh viện Phổi. Sau đó, Sở Y tế Đà Nẵng đã phải chọn khách sạn Sông Hàn (khách sạn 4 sao, ở đường Lý Thường Kiệt, quận Hải Châu) cho những người này cách ly. “Thành phố sẽ lo chi phí ăn ở”, ông Hoàng Sơn Trà, Phó chánh văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND Thành phố Đà Nẵng nói. Trong khi đó, 58 du học sinh, lao động người Việt Nam trên cùng chuyến bay được cách ly ở Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, H.Hòa Vang, Đà Nẵng).
  • Bộ GD&ĐT đề xuất học sinh mầm non, tiểu học, có thể lùi lại thêm thời gian nghỉ học từ 1-2 tuần, tùy theo tình hình dịch bệnh. Kết luận chính thức sẽ được đưa ra vào ngày 27 hoặc 28/2.
  • Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Việt Nam đủ năng lực, sinh phẩm xét nghiệm dịch bệnh COVID-19.
  • Bộ Y tế ra công văn gửi 63 tỉnh thành, các đơn vị trực thuộc Bộ, y tế các bộ ngành về việc không tổ chức các hoạt động tôn vinh nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam để tập trung các nỗ lực phòng dịch COVID-19.

(tiếp tục cập nhật)

Bảo Minh (t/h)

Xem thêm: