Một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) về các cựu chiến binh nhập viện cho thấy, phản ứng kháng thể của họ đã giảm sau bốn tháng tiêm một trong hai loại vắc-xin COVID-19 mRNA.

Embed from Getty Images

Được công bố hôm thứ Năm (9/12), nghiên cứu do CDC hậu thuẫn cho thấy bốn tháng sau khi tiêm liều thứ hai, cả hai loại vắc-xin của Pfizer và Moderna vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhập viện cho các cựu chiến binh, tuy nhiên mức độ kháng thể COVID-19 của họ đã giảm xuống. Đặc biệt, các nhà khoa học ghi nhận mức kháng thể COVID-19 của những người tiêm vắc-xin Moderna “cao hơn một chút” so với những người tiêm vắc-xin Pfizer.

Các nhà nghiên cứu lưu ý, bốn tháng sau khi tiêm chủng cho các cựu chiến binh, hiệu quả ngăn ngừa nhập viện của vắc-xin Moderna là 86%, còn vắc-xin Pfizer là 75%.

Từ kết quả nghiên cứu của mình, CDC một lần nữa khuyến nghị rằng, vài tháng sau khi tiêm vắc-xin, mọi người nên tiêm liều tăng cường.

Báo cáo nhận định: “Các kết quả nghiên cứu từ một nhóm các cựu chiến binh lớn tuổi nhập viện có tỷ lệ mắc bệnh nền cao cho thấy tầm quan trọng của liều tiêm tăng cường sẽ giúp duy trì khả năng bảo vệ lâu dài trước căn bệnh COVID-19 nghiêm trọng.”

Tuy nhiên, CDC nhấn mạnh, các kết quả nghiên cứu của họ “có một số hạn chế, bao gồm cả việc các nhà nghiên cứu không có khả năng để “đánh giá mức độ kháng thể hoặc hiệu quả của vắc-xin sau 4 tháng kể từ khi tiêm liều thứ hai.” Cơ quan này cũng nhấn mạnh, “không có đủ sức mạnh thống kê để phát hiện những khác biệt nhỏ tiềm ẩn về hiệu quả vắc-xin theo sản phẩm vắc-xin hoặc theo giai đoạn kể từ khi tiêm chủng.”

Nghiên cứu của CDC đã đánh giá tình trạng của khoảng 1.900 cựu chiến binh trong thời gian từ ngày 1/2 đến ngày 30/9 ở năm bệnh viện Cựu chiến binh tại Thành phố New York, Los Angeles, Atlanta, Houston, và Palo Alto, California.

Để xác định hiệu quả của vắc-xin, các nhà nghiên cứu đã đo mức kháng thể của khoảng 234 bệnh nhân cựu chiến binh đã được tiêm hai liều vắc-xin và không có bằng chứng về việc bị nhiễm COVID-19 trước đó. Việc phục hồi sau khi bị nhiễm sẽ tự tạo ra kháng thể chống lại COVID-19 mà một số nhà khoa học gọi là miễn dịch tự nhiên. Hầu hết các bệnh nhân trong nghiên cứu là nam giới với độ tuổi trung bình là 67.

Đầu tháng này, Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc của CDC khuyến nghị: “Mọi người từ 18 tuổi trở lên nên tiêm liều tăng cường sau 6 tháng tiêm loạt đầu tiên [hai liều] của vắc-xin Pfizer hoặc Moderna hoặc sau hai tháng tiêm liều đầu tiên của vắc-xin J&J.”

Kết quả nghiên cứu của CDC được đưa ra trong bối cảnh các quan chức y tế liên bang đang không ngừng thúc đẩy nhiều người hơn đi tiêm liều vắc-xin tăng cường. Trong khi đó, một số tổ chức, bao gồm các trường đại học, đã bắt đầu quy định tiêm liều tăng cường đối với những người vào các cơ sở này.

Hôm 9/12, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết, họ đã điều chỉnh giấy phép sử dụng khẩn cấp đối với liều vắc-xin tăng cường của Pfizer để cho phép thanh niên từ 16 đến 17 tuổi tiêm liều thứ ba sau ít nhất sáu tháng tiêm liều thứ hai. Vài giờ sau đó, CDC đã phê duyệt chính thức động thái này.

Một số nhà khoa học đã bày tỏ mối quan ngại về liều tiêm bổ sung bởi vì nguy cơ gia tăng các trường hợp viêm tim hiếm gặp ở nam giới trẻ tuổi có liên quan đến vắc-xin mRNA, chẳng hạn như vắc-xin của Pfizer/BioNTech.

Tất cả người lớn Mỹ hiện đã đủ điều kiện để tiêm liều tăng cường của một trong ba loại vắc-xin COVID-19 đã được cấp phép.

Gia Huy (Theo Reuters)

Xem thêm: