Ngày 16/12, các quan chức y tế từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ tuyên bố rằng hầu hết người Mỹ nên tiêm vắc-xin Pfizer hoặc Moderna thay vì vắc-xin Johnson & Johnson, bởi nó có thể gây ra máu đông hiếm gặp và nghiêm trọng.

vắc-xin J&J
(Ảnh minh họa: Par DiZiga/Shutterstock)

Ủy ban Cố vấn Thực hiện tiêm chủng của CDC Mỹ tuyên bố rằng sau khi tiêm vắc-xin Johnson & Johnson, vấn đề đông máu lạ đã dẫn đến 9 trường hợp tử vong được xác nhận – trong khi vắc-xin Pfizer và Moderna không có nguy cơ này và có vẻ hiệu quả hơn.

Ủy ban này đã bỏ phiếu nhất trí vào thứ Năm (ngày 16/12) để ưu tiên đề xuất vắc-xin Moderna và Pfizer. Cuối ngày thứ Năm, Giám đốc CDC,  Tiến sĩ Rochelle Walensky đã chấp nhận kiến nghị này.

Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết trong một tuyên bố: “Hơn 200 triệu người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ với loạt vắc-xin chính, chúng cung cấp sự bảo vệ chống lại virus corona mới (COVID-19), ngăn ngừa hàng triệu ca bệnh, nhập viện điều trị và cứu sống hơn 1 triệu mạng sống. Các khuyến nghị được cập nhật hôm nay nhấn mạnh cam kết của CDC trong việc cung cấp thông tin khoa học theo thời gian thực cho công chúng Mỹ.”

Tháng 4 năm nay, CDC Mỹ đã từng tạm thời ngừng sử dụng vắc-xin của Johnson & Johnson, đồng thời, các nhà khoa học đã tiến hành điều tra các cục máu đông của “hội chứng giảm tiểu cầu huyết khối” do vắc-xin Johnson & Johnson gây ra.

Tuy nhiên, CDC cuối cùng đã tin rằng lợi ích của vắc-xin Johnson & Johnson vượt trội hơn nguy cơ và tiếp tục sử dụng vắc-xin Johnson & Johnson. Tuy nhiên, dữ liệu do Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công bố trong tuần này cho thấy nhiều trường hợp liên quan đến vắc-xin Johnson & Johnson xảy ra trong mùa hè và mùa thu năm nay.

Trong đó, phụ nữ từ 30 đến 49 tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các vấn đề về đông máu, chiếm khoảng 1/100.000.

Tiến sĩ Isaac See của CDC cho biết hôm thứ Năm (ngày 16/12) rằng tổng thể mà nói, Mỹ đã xác nhận 54 trường hợp mắc bệnh huyết khối –  trong đó 37 ca là nữ, 17 ca là nam và 9 trường hợp tử vong, bao gồm 7 nữ và 2 nam. Ông nghi ngờ rằng còn có hai ca tử vong khác nữa.

Theo Hiệp hội Huyết học Mỹ, các triệu chứng của máu đông, bao gồm đau đầu dữ dội, đau bụng, đau lưng và buồn nôn, thường xảy ra từ 6 đến 14 ngày sau khi tiêm vắc-xin của Johnson & Johnson.

Cho đến nay, Mỹ đã coi vắc-xin Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson là ba loại vắc-xin ngừa virus corona (COVID-19) mới có thể được lựa chọn như nhau cho người Mỹ, bởi vì các nghiên cứu lớn đã phát hiện ra rằng chúng đều cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ. Vắc-xin của Johnson & Johnson ban đầu rất phổ biến dưới dạng vắc-xin một liều. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người không thể tiêm liều thứ hai của vắc-xin Pfizer hoặc Moderna khi nguồn cung vắc-xin ban đầu bị hạn chế.

Mỹ đã sử dụng khoảng 16 triệu liều vắc-xin Johnson & Johnson và 470 triệu liều vắc-xin Pfizer và Moderna.

Theo hãng tin AP, Ủy ban Cố vấn Thực hiện tiêm chủng của CDC đã tuyên bố tại cuộc họp hôm 16/12 rằng đã đến lúc nhận ra rằng có nhiều thay đổi đã diễn ra kể từ khi vắc-xin được giới thiệu cách đây một năm.

Dữ liệu mới về theo dõi độ an toàn chưa từng có của tất cả các loại vắc-xin này đã thuyết phục nhóm chuyên gia cố vấn rằng mặc dù máu đông liên quan đến vắc-xin Johnson & Johnson vẫn rất hiếm nhưng chúng vẫn đang xảy ra, không chỉ ở phụ nữ trẻ như suy đoán ban đầu.

Trong cuộc bỏ phiếu nhất trí, các chuyên gia tư vấn quyết định rằng vắc-xin Pfizer và Moderna an toàn hơn là lựa chọn hàng đầu. Nhưng họ cũng cho biết, nếu ai đó thực sự muốn – hoặc bị dị ứng nghiêm trọng với các lựa chọn khác, thì vẫn nên sử dụng vắc-xin của Johnson & Johnson.

Tiến sĩ Beth Bell, chuyên gia cố vấn CDC đến từ Đại học Washington nói rằng: “Tôi sẽ không giới thiệu vắc-xin Johnson & Johnson cho gia đình tôi, nhưng một số bệnh nhân có thể – và nên – chọn loại vắc-xin này.”

Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford vào tháng 4, nguy cơ huyết khối tĩnh mạch não hoặc huyết khối tĩnh mạch cửa “tăng lên đáng kể” sau khi bị nhiễm COVID-19.

Nhưng máu đông do vắc-xin thì khác. Người ta tin rằng vì vắc-xin Johnson & Johnson là vắc-xin vectơ virus, có nghĩa là nó thay thế một phần nhỏ hướng dẫn gen trong virus cảm cúm vô hại (adenovirus) bằng chỉ thị gen của protein gai SARS-CoV-2. Khi tiêm vắc-xin, các tế bào của con người sẽ nhận ra rằng protein gai không nên tồn tại, và do đó sản sinh ra kháng thể để chống lại nó, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra phản ứng miễn dịch độc hại.

Vắc-xin AstraZeneca được sản xuất tại Vương quốc Anh cũng là vắc-xin vector virus, cũng gây ra các vấn đề về đông máu tương tự.

Một số quốc gia, bao gồm cả Canada, cũng đã ưu tiên sử dụng vắc-xin mRNA, cụ thể là vắc-xin Pfizer và Moderna, thay vì vắc-xin vectơ virus hoặc đặt giới hạn độ tuổi cho vắc-xin Johnson & Johnson và AstraZeneca.

Sau khi so sánh ưu và nhược điểm của tất cả các loại vắc-xin, các thành viên của hội đồng cố vấn chuyên gia CDC Mỹ đã đồng ý rằng tác dụng phụ của vắc-xin Pfizer và Moderna không quá nghiêm trọng – và hiện đã có đủ nguồn cung.

Một số chuyên gia cố vấn cũng chỉ ra rằng vắc-xin Johnson & Johnson không còn được coi là vắc-xin một lần. Thực tế đã chứng minh rằng hiệu quả bảo vệ của một liều vắc-xin không tốt bằng vắc-xin hai liều  của Pfizer và Moderna. Ngoài ra, với sự xuất hiện của các biến thể virus corona có khả năng lây nhiễm cao, CDC Mỹ cũng đang khuyến nghị tiêm một mũi tăng cường.

Đối với những người đã được tiêm vắc-xin của Johnson & Johnson, các chuyên gia khuyến cáo rằng họ nên tiêm nhắc lại ít nhất hai tháng sau khi tiêm mũi đầu tiên. CDC Mỹ cũng đồng ý sử dụng các loại vắc-xin khác nhau làm mũi tiêm tăng cường.

Công ty Johnson & Johnson nói với ủy ban chuyên gia của CDC rằng vắc-xin của họ vẫn mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ và là lựa chọn quan trọng, đặc biệt là ở những khu vực không có nguồn cung cấp vắc-xin đầy đủ trên thế giới hoặc những người không muốn tiêm hai mũi.

Tiến sĩ Matthew Daley, chuyên gia cố vấn của CDC Mỹ, nói rằng nguồn cung cấp vắc-xin của Mỹ rất may mắn, và hành động hôm thứ Năm sẽ không ngăn cản việc sử dụng vắc-xin của Johnson & Johnson ở những nơi cần vắc-xin trên khắp thế giới.

Trình Văn, Vision Times

Xem thêm: