Chảo chống dính đã từng được ví như một “cuộc cách mạng trong nhà bếp” mang lại tiện ích cho việc nội trợ, tuy nhiên những tác động tiềm ẩn của lớp chống dính với sức khỏe thì cũng thật đáng giật mình.

(ảnh qua foodal.com)
(ảnh qua foodal.com)

Nhiều người “có tuổi” ngày nay vẫn nhớ y nguyên cảnh loay hoay vất vả kỳ cọ những chiếc chảo, xoong nồi sau mỗi lần nấu nướng nhất là với các món có dùng nhiều dầu mỡ hoặc bị quá lửa mà cháy bám vào chảo. Có lẽ vì vậy nên khi những chiếc chảo đầu tiên sử dụng công nghệ chống dính xuất hiện trên thị trường Mỹ vào năm 1960 của thế kỷ trước, người ta ví nó như một “cuộc cách mạng trong nhà bếp” vì đã giải phóng thời gian và đơn giản hóa công việc nấu nướng cho các những người nội trợ. Tiếng lành đồn xa, từ nước này qua nước khác, từ châu này qua châu khác, người ta nhất thiết phải sắm cho bằng được loại dụng cụ “công nghệ cao” này cho gia đình mình.

Có một số công nghệ (và vật liệu) chống dính khác nhau, nhưng loại xuất hiện đầu tiên và phổ biến nhất cho đến nay là sử dụng loại polymer chứa flo (polytetrafluoroethylene -PTFE) có tên thương mại là Teflon của tập đoàn DuPont (Mỹ).

Tình cờ phát minh ra chiếc chảo chống dính

Cũng giống như nhiều phát minh khác, việc tìm ra Teflon cũng hết sức tình cờ. Đó là vào ngày 6 tháng 4 năm 1938, khi kỹ sư hóa học người Mỹ Roy Plunkett của tập DuPont đang làm thử nghiệm với khí tetrafuoroethylene thì thấy một số đã bị polymer hóa thành dạng rắn và trơn trượt. Đó chính là Teflon, có khả năng chịu nhiệt từ khoảng -260 đến 330 độ C, chống chịu được ánh nắng mặt trời, độ ẩm, và nhiều loại hóa chất khác.

Các bà nội trợ sung sướng với những chiếc chảo chống dính (Ảnh: Internet)
1 mẩu quảng cáo những chiếc chảo chống dính (Ảnh: Internet)

Tiếp theo đó, DuPont đã sản xuất và khai thác thương mại Teflon cho một số mục đích như bảo vệ các joints của bom nguyên tử,… Năm 1954, kỹ sư Marc Gregoire (người Pháp) đã đặt mua Teflon với hy vọng nó có thể làm cho những chiếc cần câu cá được trơn hơn. Khi nhận hàng, người ta gửi kèm theo một thông điệp: Sản phẩm này chẳng dùng được cho việc gì vì nó không dính vào bất cứ cái gì. Ấy vậy nhưng người vợ của anh đã gợi ý phủ một lớp chất này lên các đồ dùng nấu nướng. Marc đã làm thử nghiệm với cái chảo nhôm, và như vậy là ra đời thương hiệu chảo nhôm Teflan nổi tiếng cho đến nay. Cái tên Teflan được ghép từ hai chữ Teflon và aluminium (nhôm).

Năm 1956, Teflan được đăng ký quyền sáng chế và sau đó đã nhanh chóng thu về những thành công rực rỡ cho đến tận thời nay.

Chứa đựng nhiều nguy hại cho sức khỏe, hơn 200 nhà khoa học cùng ký tên vào tuyên bố chung

Nhiều chuyên gia đã nghiên cứu và cho thấy khi bị nung nóng, x0ong nồi không dính sẽ sinh ra axit perfluorooctanoic (PFOA), một hóa chất perfluorinated và gây hại cho sức khỏe con người, bao gồm cả bệnh tuyến giáp, vô sinh ở phụ nữ, thương tổn các cơ quan và các ảnh hưởng đến khả năng phát triển và sinh sản ở động vật thí nghiệm.

Cơ quan bảo vệ môi trường (Environmental Protection Agency) Mỹ cũng xếp các chất perfluorinated này vào diện có khả năng gây ung thư.

Khi nghiên cứu các chảo không dính được đốt nóng trên mặt bếp thông thường, người ta thấy chỉ sau 2-5 phút đun nóng, chảo sẽ đạt đến nhiệt độ đủ để sinh ra các chất độc nguy hiểm.

Các lớp chống dính bắt đầu bị phá vỡ và giải phóng chất độc vào không khí ở 240 độ C. Khi nồi hoặc chảo đạt đến 340 độ C, chúng sinh ra ít nhất sáu loại khí độc, trong đó có hai chất gây ung thư (PFOA và TFE), và axit monofluoroacetic (MFA) vốn là một hóa chất dùng trong chiến tranh, độc hại cho con người ngay cả ở liều thấp.

Nhiều nhà khoa học cảnh báo sự nguy hiểm từ lớp chống dính (Ảnh: qua healthstartsinthekitchen.com)
Nhiều nhà khoa học cảnh báo sự nguy hiểm từ lớp chống dính (Ảnh: qua healthstartsinthekitchen.com)

Theo nhóm công tác môi trường (Environmental Working Group – EWG), các nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học thuộc DuPont đã tiết lộ rằng khi đun nóng, lớp chống dính sẽ bị phá hủy và giải phóng 15 loại khí và hạt nhỏ độc hại (xem báo cáo mang tên “Canaries in the Kitchen: DuPont Has Known for 50 Years” vào năm 2003 của EWG).

Mới đây nhất, hơn 200 nhà khoa học từ 40 nước trên thế đã cùng ký tên trong một tuyên bố chung (Madrid Statement), kêu gọi thế giới cùng hành động trước tình trạng các hợp chất Perfluoroalkyl (PFAS) được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm chống dính (dụng cụ nhà bếp, áo mưa…) và chứa đựng những nguy cơ nghiêm trọng với sức khỏe con người. Theo các tác giả, các hợp chất PFAS vốn rất khó phân hủy đã đến từ nhiều nguồn khác nhau, và hiện đã xâm nhập khắp nơi trong môi trường, trong các cơ thể sống kể cả con người.

>>Nhà nghiên cứu đại học Harvard bị mua chuộc, làm sai lệch chế độ dinh dưỡng nhiều thập kỉ

Vấn đề là ở chỗ các hợp chất này rất khó phân hủy, trong khi đó lại có khả năng gây ra nhiều loại bệnh. Theo tuyên bố Madrid, các nghiên cứu đã cho thấy chúng có thể gây nhiễm độc cho gan, rối loạn trong chuyển hóa lipid, rối loạn hệ thống miễn dịch và nội tiết, ngộ độc và tử vong ở trẻ sơ sinh, u trong nhiều cơ quan, liên quan đến ung thư tinh hoàn và thận, suy gan, suy giáp, viêm loét đại tràng, trẻ sinh ra nhẹ cân và nhỏ, béo phì, giảm lượng hooc-môn và chậm dậy thì… [1]

Bạn nên lưu ý gì khi dùng chảo chống dính?

Mặc dù biết đến các nguy cơ độc hại nhưng có lẽ bạn sẽ khó lòng mà từ giã tất cả các dụng cụ nấu nướng không dính. Vì vậy, các chuyên gia có một số khuyến cáo để giúp bạn hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.

Nên thay chảo khi lớp chống dính bị hỏng (Ảnh: Internet)
Nên thay chảo khi lớp chống dính bị hỏng (Ảnh: Internet)
  • Thay thế các chảo chống dính, không chọn dùng loại có lớp chống dính là Teflon. Hiện có loại chảo gốm chống dính được cho là an toàn hơn.
  • Không dùng các loại chảo chất lượng kém, loại không phải là thương hiệu tin cậy. Trên thị trường có rao bán nhiều loại chảo với giá xung quanh 50.000 đ/chiếc, thậm chí khuyến mãi tặng không khi bạn mua các mặt hàng khác như gaz, sữa… Những loại này chất lượng có thể không được đảm bảo, không nên sử dụng.
  • Cho dù là chảo có thương hiệu nổi tiếng, các chuyên gia cũng khuyến cáo bạn nên thay chảo 3 năm một lần, nếu phát hiện lớp chống dính bị xước hay hư hỏng thì cần thay luôn.

Trong khi sử dụng, cần lưu ý:

  • Trước khi sử dụng lần đầu nên rửa chảo sạch bằng nước xà phòng, sau đó dùng 1-2 thìa cà phê quét lên mặt chảo và đem hâm nóng chảo. Cứ 10-12 lần sử dụng lại thao tác bảo dưỡng như trên 1 lần. Càng làm nhiều, càng liên tục thì khi chiên rán không bị dính và khi rửa sẽ dễ dàng hơn.
  • Nên sử dụng mức nhiệt vừa phải để rán, nếu nhiệt độ quá cao có thể gây hỏng bề mặt chảo, gây ảnh hưởng đến thức ăn.
  • Nên tận dụng tối đa bề mặt chảo khi rán vì thức ăn sẽ dễ bị cháy tại chỗ sát với khoảng trống
  • Nên dùng thìa bằng gỗ để cạo hoặc thao tác nặng trên mặt chảo.
  • Nên mở cửa và làm thông thoáng bếp khi đun nấu. Bằng cách này, bạn có thể loại bỏ bớt các khí độc do chất chống dính thải ra.
  • Nên chọn loại xoong, chảo nặng. Chảo nặng bao giờ cũng nóng lâu hơn chảo nhẹ và do đó, bạn có thể kiểm soát nhiệt độ của chảo dễ dàng hơn. Còn với các món đòi hỏi chảo nóng nhanh, nhiệt độ cao như làm bít tết, tốt hơn hãy chọn loại chảo khác.
  • Không nên dùng vật liệu gây mòn để rửa chảo và nên dùng nước tẩy mềm, khăn mềm để vệ sinh. Nên rửa sạch không để cặn lắng trong chảo, nhất là các chất mặn, nếu có những vết đốm trắng trên mặt chảo (do muối gây ra) nên dùng miếng chanh cắt nhỏ lau sạch, sau đó rửa sạch bằng nước lã.
  • Không dùng chảo ở nhiệt độ cao, ở khoảng 260 độ C, chất chống dính bắt đầu bị phân hủy, giải phóng các phân tử độc hại.
  • Không làm nóng trước hoặc để chảo không trên bếp quá lâu. Các sản phẩm chảo chống dính thường nóng lên rất nhanh và có thể giải phóng chất độc. Vì vậy, đừng để xoong chảo không trên bếp quá 2 phút, đặc biệt là khi lửa to.

Tài liệu tham khảo:

  1. The Madrid Statement on Poly- and Perfluoroalkyl Substances (PFASs). Arlene Blum et al. 2015. Environ Health Perspect.

Đình Vũ

Xem thêm: