Tình trạng miệng có mùi hôi khó chịu không chỉ cho thấy sự thay đổi về sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng đến việc giao tiếp trong cuộc sống. 

shutterstock 1118055731
(Nguồn: Shutterstock)

Những nhân tố gây nên vấn đề hôi miệng

Có rất nhiều nhân tố khiến miệng quá khô, gây nên tình trạng hôi miệng. Ví dụ, khi ngủ lượng nước bọt tiết ra giảm nhiều, thậm chí há miệng khi thở, khiến miệng trở nên khô hơn từ đó gây hôi miệng. Người lớn tuổi thường tiết ít nước bọt hơn, nếu như uống một số loại thuốc cũng có thể khiến cho việc tiết nước bọt bị giảm bớt. Tất cả những điều này đều có khả năng gây ra sự lên men của vi khuẩn cùng thức ăn dư thừa trong khoang miệng. 

Ngoài ra các yếu tố bệnh lý tại chỗ như sâu răng, nha chu, lở loét trên lưỡi cũng đều là các nhân tố gây hôi miệng.

Đối với các yếu tố toàn thân, ví như mùi hôi từ sự thoái hóa của vi sinh vật đường ruột do rượu, khí thải sau quá trình chuyển hóa thức ăn, đặc biệt, các bệnh về đường hô hấp (như cảm lạnh, áp xe phổi, viêm xoang), các bệnh về hệ tiêu hóa (như viêm dạ dày, khó tiêu)… cũng đều có thể gây nên vấn đề hôi miệng. Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc có các vấn đề về gan, thận cũng thường có mùi đặc biệt trong miệng. 

Vì vậy, nguyên nhân gây hôi miệng dù là sinh lý hay bệnh lý, tại chỗ hay toàn thân, đều là khá phức tạp, cần tìm được nguyên nhân sâu xa mới có thể chữa được bệnh này.

Về Trung y, trong cuốn ‘’Thương hàn luận’’ của nhà y học nổi tiếng Trương Trọng Cảnh thời Đông Hán, có luận thuật về “kiền y thực xú” (ợ mùi hôi thực phẩm). Trong sách “Nguồn gốc và các triệu chứng của bệnh” (Chư bệnh nguyên hậu luận) của Nguyên Phương thời đại nhà Tùy cũng đã đưa ra thuật ngữ “khẩu xú”. Thuyết “Linh xu – mạch độ” nói rằng: “Tỳ khí thông với miệng”, miệng là cửa ngõ nạp thức ăn, là lối đi cho khí ra vào, và là điểm mấu chốt để 12 kinh mạch lưu thông. Mùi hôi miệng chính là phản ánh bất thường của tạng phủ ra bên ngoài.

Đối với việc chẩn đoán và điều trị hôi miệng, yếu tố quan trọng không thể tách rời chính là việc phân biệt và tìm nguyên nhân gốc rễ.

1. Hôi miệng do nhiệt miệng

Các triệu chứng chính là khát nước, xuất hiện các vết viêm loét trên lưỡi, táo bón và nước tiểu vàng. Tương tự như viêm cục bộ trong khoang miệng, mạch máu sẽ giãn ra và máu lưu thông chậm lại, oxy cung cấp không đủ, sức đề kháng của niêm mạc miệng yếu, lúc này sự hoạt động của vi khuẩn sẽ tăng lên, dẫn đến nhiệt miệng và hôi miệng. Trường hợp này có thể được điều trị bằng thanh vị tán”, còn nếu là táo bón rõ ràng, có thể sử dụng “lương cách tán” để điều trị.

2. Hôi miệng do đường tiêu hóa

Khi quá trình tiêu hóa xảy ra vấn đề, hơi thở sẽ có mùi hôi, vị chua và thối, đầy bụng, có chất nhờn phủ trên mặt lưỡi. Nguyên nhân là do chế độ ăn uống không phù hợp, chức năng tiêu hóa thất thường, thức ăn tiêu hóa chậm, dạ dày bị lên men và hư tổn. Sử dụng “hoàn tiêu đạo” để giải độc dạ dày, và sử dụng “chỉ thực đạo trệ hoàn” cũng có thể tăng cường nhu động đường tiêu hóa, giảm viêm khử trùng, và nhuận tràng.

3. Phế nhiệt làm tắc phổi, hôi miệng

Triệu chứng là ho khạc ra đờm có mùi hôi, đau tức ngực. Chủ yếu do viêm đường hô hấp. Bột “tả bạch tán” có thể dùng để long đờm và làm hết viêm đường hô hấp.

Với bệnh hôi miệng, ngoài việc đi khám để tìm ra nguyên nhân, điều trị triệu chứng thì không thể xem nhẹ việc giữ gìn vệ sinh răng miệng cá nhân. Ngoài ra, cần tránh ăn những thức ăn có mùi đặc trưng như đậu phụ thối, tỏi, hành lá, tỏi tây, thuốc lá, rượu .v.v. Đồng thời, cần thường xuyên ngậm nước trong miệng, hoặc thường xuyên uống một hoặc hai ngụm nước, hoặc nhai kẹo cao su không đường, những cách này đều rất hữu ích.

Bài viết của ông Diệp Tuệ Xương, Phó Giáo sư Đại học Trung Y và là giám đốc Phòng khám Y học Cổ truyền Trung Quốc tại Đài Trung, Đài Loan, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.