Bồ công anh (tên khoa học là Taraxacum officinale) từ lâu đã được sử dụng như một loại thảo được trong y học nhờ những lợi ích sức khỏe đáng ngạc nhiên. 

Hầu hết mọi người đều biết bồ công anh là một loài cỏ dại có hoa màu vàng thường mọc trong vườn hoặc trên các bãi cỏ. Mặc dù nghiên cứu về bồ công anh trên người vẫn còn hạn chế, các nhà khoa học vẫn có thể xác định được một số lợi ích sức khỏe của trà bồ công anh.

trà bồ công anh
(Ảnh: Pixel-Shot/Shutterstock)

1. Giảm hiện tượng chướng bụng

Jenelle Kim (bác sĩ y học Trung Quốc, nhà thảo dược được chứng nhận và là người sáng lập JBK Wellness Labs) cho biết trà bồ công anh hoạt động như một loại thuốc lợi tiểu tự nhiên. Nó sẽ làm tăng khả năng đi tiểu của bạn, khiến trọng lượng nước giảm xuống. Tương tự như thuốc lợi tiểu có khả năng loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, trà bồ công anh có thể làm giảm hiện tượng chướng bụng.

Chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận công dụng làm giảm chướng bụng của trà bồ công anh. Nhưng kết luận từ một nghiên cứu năm 2009 cho thấy trà bồ công anh hứa hẹn sẽ là một loại thuốc lợi tiểu hiệu quả. Trong nghiên cứu này, những người tham gia được cho uống một tách trà bồ công anh. Năm tiếng sau khi uống, các nhà nghiên cứu nhận thấy người tham gia có lượng nước tiểu tăng lên.

2. Hỗ trợ sức khỏe gan

Bác sĩ Jenelle Kim nói rằng trà bồ công anh đã được sử dụng như một phương thức để thúc đẩy chức năng gan trong suốt nhiều thế kỷ. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy bồ công anh có khả năng tăng lưu lượng mật của gan, giúp giải độc gan và làm giảm các triệu chứng của bệnh gan. 

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy polysaccharides (một loại carbohydrate) có trong bồ công anh có thể giúp bảo vệ gan chống lại bệnh tật và hỗ trợ chức năng gan tổng thể.

3. Giảm nguy cơ ung thư

Bồ công anh chứa chất chống oxy hóa như vitamin A, các hợp chất phenolic và flavonoid. Khi được kết hợp cùng nhau, các hợp chất này hoạt động như những chất thu dọn gốc tự do, làm giảm sự mất cân bằng oxy hóa trên cơ thể, từ đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư. 

Bác sĩ Kim nói rằng bồ công anh có thể cải thiện sự luân chuyển thành công của tế bào và giảm sự phát triển của tế bào ung thư, nhưng vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho lý thuyết này.

Bản thân trà bồ công anh chưa được kiểm tra về tác dụng chống ung thư, nhưng bạn có thể tham khảo thông tin về chiết xuất từ rễ bồ công anh như sau:

Một nghiên cứu trong ống nghiệm năm 2011 cho thấy chiết xuất từ rễ cây bồ công anh (DRE) có khả năng giết chết các tế bào ung thư hắc tố mà không gây tác động đến các tế bào không phải ung thư.

Một nghiên cứu năm 2012 cho kết quả tương tự ở tế bào ung thư tuyến tụy. Một nghiên cứu năm 2017 ở tế bào ung thư dạ dày cũng cho kết quả giống như vậy.

trà bồ công anh
(Ảnh: vetre/Shutterstock)

4. Giúp kiểm soát lượng đường trong máu

Inulin (chất xơ hòa tan) trong bồ công anh có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu tăng đột biến. Ngoài ra, inulin cũng là một loại carbohydrate phức hợp (được gọi là fructooligosaccharide) có khả năng hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn lành mạnh trong ruột. 

Hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh kết hợp với chế độ ăn nhiều chất xơ sẽ giúp làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2.

Một đánh giá năm 2016 cho rằng bồ công anh cung cấp nhiều thành phần hoạt tính sinh học có khả năng chống bệnh tiểu đường nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm.

5. Hỗ trợ sức khỏe của xương

Bồ công anh rất giàu vitamin và khoáng chất như canxi, vitamin A, vitamin K, chúng đều là những chất quan trọng giúp duy trì sức khỏe xương. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý các thành phần dinh dưỡng này tốt cho xương nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào trên người chứng minh tác dụng của trà bồ công anh đối với xương.

Các rủi ro tiềm ẩn:

– Mất cân bằng điện giải: Nếu bạn đang dùng thuốc lợi tiểu thì không nên dùng trà bồ công anh vì nó có thể khiến bạn tăng nguy cơ bị mất cân bằng điện giải.

– Xung khắc với thuốc: Bồ công anh có thể tương tác với các loại thuốc bạn đang uống để trị bệnh (như thuốc làm loãng máu hoặc lithium được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực). Vì thế bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thêm trà bồ công anh vào chế độ ăn uống.

– Dị ứng: Nếu bạn bị dị ứng với cỏ phấn hương thì cũng nên thận trọng khi dùng trà bồ công anh. Cả bồ công anh và cỏ phấn hương đều thuộc họ thực vật có tên là Asteraceae. Nếu bị dị ứng, bạn sẽ thấy các triệu chứng như nghẹt mũi, ngứa, chảy nước mắt.