Theo các chuyên gia y tế, tương lai của thế giới vẫn mờ mịt khi đại dịch virus corona đang tấn công dữ dội với hơn 1 triệu ca nhiễm mới trong tuần qua, và không có cách nào dễ dàng để thoát khỏi đại dịch kể cả khi có vắc-xin.

shutterstock 1647268288
(Ảnh: Shutterstock)

Hôm 13/7 ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng mọi thứ sẽ chỉ “xấu hơn, xấu hơn và xấu hơn” nếu các quốc gia và người dân không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Ông Tedros nhận định sẽ không có cách nào để thế giới trở lại “bình thường như cũ”.

Hiện thực mới

Ông Daniel Lucey, giáo sư thỉnh giảng về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế thuộc Đại học Georgetown ở Washington, đồng ý với nhận xét của ông Tedros.

“Chúng ta cần phải nhận ra rằng đây thực sự là một loại virus chưa từng thấy, chưa có tiền lệ trong lịch sử,” ông nói.

“Trừ khi nó biến mất, nếu không nó sẽ tiếp tục bùng phát khi con người tạo ra cơ hội cho virus: không mang khẩu trang, không giãn cách xã hội. Vì vậy, điều này hiện giờ đã trở thành một hiện thực mới của thế giới chúng ta.”

Một số nơi dường như đã kiểm soát được việc lây nhiễm nhưng số ca nhiễm bệnh đã tăng đột biến trở lại sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.

Hồng Kông đã có 3 tuần không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhưng kể từ ngày 5/7 đã ghi nhận thêm 200 ca, với hàng chục ca nhiễm không rõ nguồn gốc.

Tuần trước, Melbourne – thành phố lớn thứ hai của Úc, đã áp đặt trở lại việc phong tỏa ngoại trừ các hoạt động thiết yếu sau khi số ca nhiễm bệnh tăng đột biến.

Tháng trước, Bắc Kinh cũng đã thực hiện trở lại các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt sau khi dịch bệnh liên quan đến một ngôi chợ địa phương bùng phát trở lại, kết thúc 55 ngày không có ca nhiễm mới.

Theo ông Sanjaya Senanayake, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là phó giáo sư của Trường y thuộc Đại học Quốc gia Úc tại Canberra, hai yếu tố có thể dẫn đến sự gia tăng đột ngột là việc lây nhiễm từ các ca nhẹ, không có triệu chứng và khả năng có các ca siêu lây nhiễm.

Sự tăng đột biến các ca nhiễm bệnh sẽ dẫn đến việc tái áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn như làm việc tại nhà, khả năng đóng cửa trường học và doanh nghiệp để đảm bảo tình hình không vượt khỏi tầm kiểm soát, ông nói.

Ông Senanayake cũng nhận định rất có thể vắc-xin không thể có trước thời điểm giữa năm 2021, do đó công chúng nên chuẩn bị để thích ứng với các biện pháp kiểm soát bất cứ lúc nào. 

“Đừng trông chờ vào vắc-xin”

Ông David Heymann, giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh học và  Y Nhiệt đới London cho biết mặc dù vắc-xin được xem là một cách để giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng chúng không nên là nền tảng cho các biện pháp lâu dài.

“Tất cả chúng ta đều hy vọng sẽ có vắc-xin nhưng điều này không nên làm dừng lại những gì chúng ta đang cố gắng làm lúc này,” ông nói.

Việc xây dựng chiến lược dài hạn đúng đắn sẽ phụ thuộc vào cách thức hoạt động của virus, bởi vì các bệnh mới xuất hiện khác nhau sẽ có các hướng đi khác nhau, ông Heymann, trưởng nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO về các mối nguy hiểm truyền nhiễm, cho biết.

Phần lớn các quốc gia tìm cách ngăn chặn sự lây lan của virus đang sử dụng các biện pháp kiểm soát nhằm giữ cho số ca tử vong ở mức thấp và bảo vệ các bệnh viện khỏi bị quá tải – một phương pháp được WHO ủng hộ.

“Quá nhiều quốc gia đi sai hướng,” ông Tedros nói, và kêu gọi thực hiện các biện pháp vệ sinh và giãn cách thực tế. Một số khu vực của các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề như Mỹ và Ấn Độ đã dỡ bỏ các hạn chế, hiện đã quay trở lại thực hiện các biện pháp này.

Chuyên gia thần kinh: Bệnh nhân COVID-19 bị di chứng ở não và đột quỵ

Không có chiến lược hoàn hảo

Ông Lucey nói rằng mặc dù việc phong tỏa đã có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh một cách đáng kể, nhưng “không có câu trả lời nào hoàn hảo và dễ dàng” để kiểm soát đại dịch bởi vì những biện pháp như vậy sẽ gây ra những tổn thương về tài chính và tâm lý nặng nề.

“Vấn đề là phải thực hiện biện pháp tốt nhất để làm giảm đáng kể sự lây nhiễm,” ông cho biết, nhưng nói rằng ông hy vọng việc phát triển các công nghệ tốt hơn như các loại thuốc điều trị và xét nghiệm tại chỗ nhanh chóng, kết hợp với các biện pháp như giãn cách xã hội, truy tìm dấu vết và đeo khẩu trang có thể giúp khôi phục trở lại một cách an toàn một số phương diện của cuộc sống bình thường trong tương lai gần.

Ông Senanayake nói rằng vẫn còn những câu hỏi như những người đã mắc bệnh này được miễn dịch trong bao lâu.

“Nếu thời gian miễn dịch không dài và trong trường hợp chưa có vắc-xin thì nó có thể trở thành một vòng luẩn quẩn của việc tái nhiễm bệnh,” ông cho hay.

Bà Ashley St John, trợ lý giáo sư và là nhà miễn dịch học tại Trường Y Duke-NUS ở Singapore, nói rằng mặc dù ngày càng có nhiều người miễn dịch với căn bệnh này, nhưng về lâu dài, thì việc tiêm vắc-xin nhằm giảm thiểu việc lây nhiễm sẽ là điều thiết yếu để quay lại cuộc sống bình thường.

Nhưng điều quan trọng là phải có nhận thức thực tế về tác động của vắc-xin, bởi vì các vắc-xin có sớm rất có thể không ngăn chặn được hoàn toàn bất kỳ lây nhiễm nào đối với bất kỳ ai, bà cho biết.

Thay vào đó, các vắc-xin này có thể được sử dụng cùng với các biện pháp kiểm soát khác để làm giảm việc lây nhiễm, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao, bà Ashley nói.

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: