Virus corona mới lan rộng trên toàn cầu đã dẫn đến việc kiểm tra nhiệt độ tại khắp các sân bay và các thành phố. Nhu cầu về súng nhiệt kế theo đó cũng tăng vọt, nhưng liệu chúng có đáng tin cậy?

shutterstock 1637029741
Kiểm tra thân nhiệt bằng súng nhiệt kế (Ảnh: Shutterstock)

Nhu cầu kiểm tra nhiệt độ tăng vọt khi dịch bệnh do virus corona mới gây ra đã khiến toàn thế giới có hơn 73.000 ca nhiễm và hơn 1.800 ca tử vong, chủ yếu ở Trung Quốc Đại lục. Tại Trung Quốc, khắp các sân bay, các chốt kiểm tra ở trong thành phố và tại công sở, những người ra vào được kiểm tra nhiệt độ để xác định nguy cơ tiềm ẩn nhiễm virus.

Chính vì vậy, súng nhiệt kế, một thiết bị sử dụng cảm biến hồng ngoại để đo nhiệt độ bề mặt của một người mà không chạm vào da của họ, đã được sử dụng rộng rãi. Nhiều nhà sản xuất đã phải vật lộn để sản xuất bắt kịp với nhu cầu thị trường.

Tuy vậy, các chuyên gia lại nhận định rằng loại súng nhiệt kế này không cho kết quả chính xác.

“Những thiết bị này nổi tiếng là không chính xác và không đáng tin cậy,” bác sĩ James Lawler, một chuyên gia y tế tại Trung tâm An ninh Y tế Toàn cầu thuộc Đại học Nebraska, nói với tờ New York Times. “Thành thật mà nói, nó chỉ là hình thức.”

Điều đó có nghĩa là trong nhiều trường hợp, việc sàng lọc nhiệt độ này sẽ không thể phát hiện người nghi nhiễm bệnh.  

Tại sao súng nhiệt kế không đáng tin cậy?

Hầu hết mọi người cầm súng nhiệt kế giữ khoảng cách quá xa hoặc quá gần đối tượng, khiến các phép đo nhiệt độ có kết quả quá nóng hoặc quá lạnh, các chuyên gia nói với tờ New York Times.

Bác sĩ Lawler kể về “kinh nghiệm” của mình với súng nhiệt kế khi đi qua Tây Phi trong đợt dịch Ebola năm 2014 – 2016. Theo đó, súng nhiệt kế đã hiển thị các chỉ số như thể ông sắp chết vì giảm thân nhiệt.

Theo công ty cung ứng công nghiệp Grainger, khoảng cách chính xác để giữ súng nhiệt kế hồng ngoại cầm tay phụ thuộc vào kích thước của ‘mục tiêu’.

Ngoài ra, môi trường bên ngoài như bụi đường hay nhiệt độ nóng trong xe hơi có thể ảnh hưởng đến phép đo nhiệt độ bằng hồng ngoại.

Ngay cả khi được sử dụng đúng cách, nhiệt kế cũng khó mà xác nhận được người đang nhiễm virus. Các nghiên cứu cho thấy những người nhiễm bệnh có thể ủ bệnh tới 14 ngày mà không có triệu chứng, và một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy thời gian có thể kéo dài tới 24 ngày. 

Một số bệnh nhân bị buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy trước khi bị sốt. Họ vẫn có thể lây nhiễm ở giai đoạn đó. Nếu ai đó đã dùng thuốc hạ sốt, thì họ vẫn cho thấy nhiệt độ bình thường.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận rằng một số người nhiễm bệnh đã “đánh lừa” được máy kiểm tra nhiệt độ, nhưng vẫn cho rằng việc kiểm tra nhiệt độ sẽ làm tăng cơ hội phát hiện người bệnh. 

Theo WHO, hầu hết các trường hợp bên ngoài Trung Quốc đều được phát hiện thông qua máy đo nhiệt khi họ nhập cảnh vào một quốc gia khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, nhiệt độ cao không hẳn là nhiễm bệnh. Kiểm tra nhiệt độ có thể phát hiện ra nhầm người nhiễm bệnh. 

“Họ có thể đã tập thể dục, họ có thể đang dùng một số loại thuốc nhất định”, Jim Seffrin, một chuyên gia về thiết bị hồng ngoại tại Viện Infraspection ở New Jersey, nói với tờ New York Times. “Một người đến trễ và cố bắt kịp chuyến bay – họ có thể đã chạy qua cả một quảng trường.”

10 thói quen xấu khiến virus dễ lây lan

Nhu cầu về súng nhiệt kế tăng đột biến

Kể từ khi dịch corona bùng phát, nhu cầu về một mặt hàng phòng vệ khác là khẩu trang tăng đột biến, mặc dù nhiều người chỉ ra rằng khẩu trang cũng không hoàn toàn bảo vệ được bạn trước nguy cơ nhiễm bệnh. Khắp thế giới, các nhà sản xuất khẩu trang đang vật lộn để bắt kịp nhu cầu.

Một số nhà sản xuất súng nhiệt kế cũng cho biết về tình trạng tương tự.

“Đây là một trong những điều áp lực nhất mà tôi phải đối mặt trong đời”, Gary Strahan, Giám đốc điều hành của một công ty công nghệ nhiệt kế hồng ngoại nói với tờ New York Times. “Đã từng có nhiều người đến chỗ chúng tôi hỏi: “Anh có thể cung cấp 1.000 thiết bị không? Anh có thể cung cấp 2.000 thiết bị không?” Strahan nói thêm rằng anh đã phải làm việc từ 4 giờ sáng đến 10 giờ tối hàng ngày để sản xuất kịp các đơn đặt hàng mới. 

Mo Yingchun, Tổng Giám đốc của công ty sản xuất súng nhiệt kế Alicn Medical ở Thâm Quyến, Trung Quốc, cho biết giá đã tăng gấp 3 đến 5 lần so với thông thường. Mo nói rằng việc chính quyền siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại đã khiến nhiều nhân viên của ông không thể đi làm, cũng như ngăn nhiều nhà máy hoạt động hết công suất.

“Ngay cả chính phủ cũng đang giành nhau để có được sản phẩm. Các chính quyền địa phương muốn đảm bảo nhu cầu của họ trước tiên.”

Thậm chí, ông đồng ý với nhận định rằng súng nhiệt kế không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. “Súng bắn nhiệt kế chỉ được sử dụng để sàng lọc nhanh và không chính xác như nhiệt kế truyền thống”, ông Mo nói. “Đây là một ngành công nghiệp nhỏ và nếu không vì dịch bệnh bùng phát, thì nó sẽ chẳng được chú ý như vậy.”

Lam Thiên (theo Inkstone)

Xem thêm: