Chúng ta không cố tình nuốt nhựa nhưng những hành động như uống nước đóng chai hay ăn động vật có vỏ là những con đường không ai ngờ tới khiến vi nhựa xâm nhập vào hệ tiêu hóa của chúng ta.

vi nhựa
(Ảnh: MOHAMED ABDULRAHEEM/ Shutterstock)

Không ai trong chúng ta hứng thú với ý tưởng nhai và nuốt một chiếc thìa nhựa. Nhưng bạn có biết rằng, có thể chúng ta vẫn đang vô tình tiêu thụ rất nhiều mảnh nhựa siêu nhỏ mỗi tuần? 

Một nghiên cứu mới của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) do Đại học Newcastle, Úc thực hiện cho thấy mọi người tiêu thụ khoảng 2.000 mảnh vi nhựa mỗi tuần (5 gam), tương đương khoảng 21 gam mỗi tháng và hơn 250 gam mỗi năm. Nghiên cứu này là phân tích toàn cầu đầu tiên kết hợp dữ liệu từ hơn 50 nghiên cứu về việc con người ăn phải vi hạt nhựa.

Nhựa chúng ta đang ăn đến từ đâu?

shutterstock 539900983
(Ảnh: GP PIXSTOCK/ Shutterstock)

Thực phẩm và đồ uống thông thường chính là nguồn vi nhựa mà chúng ta ăn phải mỗi ngày. Một nghiên cứu về nước đóng chai cho thấy nước uống là nguồn vi nhựa lớn nhất trên toàn cầu. Tất cả các mẫu từng được nghiên cứu đều chứa nhựa. Vì các mẫu này được thu thập từ khắp nơi trên thế giới nên lượng vi nhựa của chúng cũng khác nhau. Nước máy ở Mỹ và Ấn Độ chứa lượng vi nhựa nhiều gấp đôi so với nước ở châu Âu hoặc Indonesia.

Động vật có vỏ đóng góp khoảng 0,5 gam vi nhựa chúng ta ăn trong một tuần. Nguyên nhân là bởi chúng ta có thể ăn chúng cả con, nghĩa là chúng ăn gì thì chúng ta cũng đang tiêu thụ cả thứ ấy. Đại dương bị ô nhiễm nhựa nghiêm trọng và các loài vật có vỏ chắc chắn cũng ăn phải rất nhiều nhựa. Đảo rác nhựa ở Thái Bình Dương có kích thước bằng Texas.

Những tác động của việc ăn vi nhựa là gì?

Hiện tại các chuyên gia vẫn chưa thể tìm hiểu hết tác hại của việc ăn phải vi nhựa, nhưng chắc chắn là hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn những gì chúng ta tưởng. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chúng ta có thể bị viêm nhẹ đường hô hấp. Các loại nhựa chứa hóa chất, chất phụ gia có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Một nghiên cứu khác ủng hộ kết quả của WWF 

Nghiên cứu của WWF không phải là nghiên cứu duy nhất xem xét lượng nhựa mà con người tiêu thụ. Một nghiên cứu của Mỹ được công bố gần đây cho thấy người Mỹ tiêu thụ 39.000 đến 52.000 hạt vi nhựa mỗi năm. Mỗi khi chúng ta hít phải một yếu tố có chứa vi nhựa, các ước tính sẽ tăng lên 74.000 và 121.000. Chúng ta được khuyến nghị nên uống một lượng nước nhất định mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe. Nhưng vấn đề là các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người uống nước đóng chai (cho đủ lượng nước được khuyến nghị) có thể đang nạp thêm 90.000 mảnh vi nhựa mỗi năm. Những người chỉ uống nước đóng chai tiêu thụ thêm khoảng 4.000 miếng. Nghiên cứu kết luận rằng các ước tính hiện tại có khả năng vẫn đang bị đánh giá thấp hơn so với thực tế.

Gốc rễ của vấn đề hạt vi nhựa

Rất nhiều sản phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày được đóng gói bằng nhựa. Con người hiện đại coi trọng sự tiện lợi nên ngày càng có nhiều sản phẩm liên quan đến nhựa được sản xuất. Kể từ năm 2000, lượng nhựa được sản xuất trên toàn cầu nhiều hơn tất cả những năm trước cộng lại. Một phần ba số nhựa đó bị rò rỉ vào tự nhiên. Nếu mọi thứ vận hành đúng theo năng suất dự kiến thì việc sản xuất nhựa hiện tại có thể tăng 40% vào năm 2030. Nếu không có gì thay đổi thì ở đại dương, cứ ba tấn cá sẽ có một tấn nhựa vào năm 2025.

shutterstock 1074166649
(Ảnh: Rich Carey/ Shutterstock)

Lời cảnh tỉnh cho các chính phủ

WWF đang kêu gọi các chính phủ hành động để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhựa. Một trong các giải pháp là chính phủ nên hỗ trợ nhiều hơn cho các nghiên cứu về nhựa và hạt vi nhựa trong tự nhiên, cũng như ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe con người. Một cách khác để các chính phủ hành động là tạo ra các mục tiêu quốc gia về giảm thiểu, tái chế và quản lý nhựa. Ví dụ như chính phủ Canada đã đặt mục tiêu cấm dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần vào đầu năm 2021.

Ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc WWF Quốc tế, cho biết trong một tuyên bố: “Những phát hiện này phải là hồi chuông cảnh tỉnh cho các chính phủ. Cả thế giới cần phải hành động ngay để giải quyết cuộc khủng hoảng này”.

Bạn có thể làm gì để giảm thiểu tiếp xúc với hạt vi nhựa?

Nếu bạn muốn làm gì đó để mang lại sự thay đổi, hãy ký vào bản kiến nghị của WWF với nội dung yêu cầu một sự ràng buộc về mặt pháp lý toàn cầu (liên quan đến mọi quốc gia) nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nhựa vào năm 2030. Bản kiến nghị hiện đã thu được hơn 500.000 chữ ký.

Nếu muốn hạn chế lượng nhựa sử dụng mỗi ngày, bạn hãy đổi nước đóng chai lấy chai nước tái sử dụng làm bằng thép không gỉ. Bạn nên chủ động mang túi vải đi mua sắm thay vì sử dụng túi ni lông dùng một lần ở các cửa hàng. Mỗi hành động nhỏ của bạn đều đang góp phần giúp giảm thiểu việc sử dụng nhựa nói chung trên toàn cầu.