Cận thị là một bệnh dịch ở những người trẻ tuổi. Nghiên cứu cho thấy dành quá nhiều thời gian trước màn hình, và không có đủ thời gian ở ngoài trời là thủ phạm hàng đầu. Ngày nay, trẻ em dành nhiều thời gian hơn để nhìn chằm chằm vào màn hình. Làm thế nào để cảnh giác và ngăn chặn sự can thiệp của các thiết bị điện tử đối với tầm nhìn?

shutterstock 1833365449
(Nguồn: Witsawat.S/ Shutterstock)

Cận thị làm cho các vật ở xa bị mờ, trong khi các vật ở gần có vẻ sắc nét hơn. Một trong những yếu tố rủi ro lớn nhất đối với cận thị, là có cha hoặc mẹ cũng có vấn đề về thị lực này. Đến nay, đây vẫn là một trong những bệnh di truyền chính.

Cận thị đang gia tăng trên toàn cầu. Tiến sĩ Michael Repka, giáo sư nhãn khoa tại Đại học Johns Hopkins, cho biết “công nghệ”, đặc biệt là việc nhìn chằm chằm vào màn hình cả ngày là là thủ phạm hàng đầu. Điều này khiến độ tuổi bị cận thị ngày càng trẻ hóa, và có thể gây ra “đại dịch mù lòa trong nhiều thập kỷ sau”.

Xu hướng cận thị đáng lo ngại

Tỷ lệ cận thị đang gia tăng trong những thập kỷ gần đây, đặc biệt là ở Đông Á. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên trong vòng 50 năm tới. Vào năm 2019, Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO) đã thành lập Nhóm công tác về vấn đề cận thị, để giải quyết “sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ cận thị trên toàn cầu và các biến chứng liên quan.”

Theo báo cáo của nhóm công tác, tỷ lệ cận thị dự kiến ​​sẽ tăng từ 1,406 tỷ người (22,9% dân số) năm 2000 lên 4,758 tỷ người (49,8% dân số) vào năm 2050. Cận thị nặng cũng được dự đoán sẽ tăng, từ 163 triệu người (2,7% dân số) năm 2000 lên 938 triệu người (9,8% dân số) vào năm 2050.

Một số người ở châu Á, đặc biệt là sinh viên đại học, có tỷ lệ cận thị trên 90%. Trong số những người trẻ tuổi ở Đông Á và Đông Nam Á, 80% – 90% bị cận thị và 10% – 20% bị cận thị nặng. Xu hướng học tập trong thời gian dài và sử dụng mắt để “làm việc ở cự ly gần” từ lâu đã góp phần khiến thị lực giảm sút.

Cận thị dần dần sẽ gây rủi ro đáng kể

Cận thị ở trẻ em bắt đầu ngày càng sớm hơn. Cùng với tốc độ tiến triển cao, xu hướng trong tương lai không mấy lạc quan. Ngay cả trẻ em từ 11 -13 tuổi cũng gặp phải “đại dịch cận thị cao”.

Khi một người bị cận thị, nhãn cầu của họ sẽ dài ra. Về mặt giải phẫu, sự thay đổi này không thể đảo ngược, và sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về thị lực, đặc biệt là trong cuộc sống sau này.

Theo nhóm công tác của AAO, ở độ tuổi 75, 3,8% người cận thị và 39% người cận thị nặng sẽ bị “suy giảm thị lực không thể điều chỉnh”. Nói cách khác, dù cận thị ở mức độ nhẹ hay trung bình, thì cận thị cũng sẽ làm tăng nguy cơ mù vĩnh viễn, như bong võng mạc, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.

Nhóm công tác của AAO giải thích rằng tỷ lệ cận thị gia tăng gây ra những tác động xã hội và lâm sàng trên phạm vi rộng, đòi hỏi có “sự phối hợp toàn cầu”. Đặc biệt là khi một người càng trẻ tuổi thì tình trạng suy giảm càng có xu hướng nhanh hơn.

Nhìn chằm chằm vào màn hình quá lâu, thiếu hoạt động ngoài trời là thủ phạm?

Khi công nghệ tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt, không thể ngờ rằng mọi người lại bị màn hình ám ảnh đến mức sau khi thức giấc, chúng ta đều bị chi phối bởi màn hình dưới hình thức này hay hình thức khác.

Thị lực cũng bị ảnh hưởng. Một nhóm chuyên gia trên tạp chí Progress in Retinal and Eye Research chỉ ra, giáo dục chuyên sâu (tức là phải học nhiều hơn) và thời gian hoạt động ngoài trời hạn chế là những yếu tố rủi ro khiến cận thị trở thành căn bệnh phổ biến.

Họ viết: “Việc địa phương hóa dịch bệnh dường như là do áp lực giáo dục cao, và thời gian hoạt động ngoài trời hạn chế trong khu vực, hơn là do gia tăng tính nhạy cảm di truyền đối với các yếu tố này”.

Nghiên cứu lập luận rằng việc tăng thời gian hoạt động ngoài trời trong trường học, nhằm làm chậm sự khởi phát của chứng cận thị, kết hợp với các phương pháp y tế, để làm chậm sự tiến triển của cận thị, sẽ kiểm soát được dịch bệnh này, nếu không sẽ đặt ra một thách thức lớn về sức khỏe.

Điều quan trọng là phải cải cách tổ chức hệ thống trường học, nhằm giảm thiểu việc giáo dục bị đẩy nhanh hơn vì sự cạnh tranh khốc liệt.

AAO cũng tuyên bố: “Dành quá nhiều thời gian trong nhà có thể làm tăng nguy cơ cận thị ở trẻ em. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều hoạt động ngoài trời dưới ánh sáng tự nhiên có thể làm giảm nguy cơ này”.

Tương tự như vậy, các nhà nghiên cứu Pháp mô tả “ở ngoài trời” là một trong những phương pháp điều trị cận thị hứa hẹn nhất ở trẻ em.

Một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Nhãn khoa Hoa Kỳ đã mô tả thời gian sử dụng thiết bị kỹ thuật số trong đại dịch COVID-19 là “nguy cơ gia tăng bệnh cận thị”.

Nghiên cứu bổ sung bằng chứng cho thấy việc tăng thời gian xem màn hình kỹ thuật số, làm việc gần và hạn chế hoạt động ngoài trời có liên quan đến cận thị, làm trầm trọng thêm hiệu ứng này trong và sau đại dịch COVID-19.

Kiểm soát sự phát triển của cận thị

Các phương pháp điều trị gồm nhỏ thuốc atropine, kính áp tròng mềm đa tiêu cự và kính áp tròng Ortho-K. Kính áp tròng Ortho-K đeo cả vào ban đêm sẽ giúp định hình lại lớp trước trong suốt của nhãn cầu, thay đổi cách ánh sáng đi vào mắt và giúp cải thiện thị lực.

Tuy nhiên, không có phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi cận thị, chỉ có thể làm chậm quá trình tiến triển của nó. Phòng ngừa là một lựa chọn tốt hơn, cần dành nhiều thời gian bên ngoài hơn, và ít thời gian hơn trên màn hình, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Ánh sáng xanh từ màn hình có hại hơn đối với trẻ nhỏ

Công nghệ đang cản trở thị lực, không chỉ vì mọi người dành nhiều thời gian tập trung vào màn hình cận cảnh, mà còn do họ tiếp xúc với ánh sáng xanh trong quá trình này.

Dữ liệu được trình bày tại Hội nghị thường niên lần thứ 60 của Hiệp hội Nội tiết Nhi khoa Châu Âu cho thấy, việc tiếp xúc lâu với ánh sáng xanh có liên quan đến dậy thì sớm ở chuột, cùng với việc giảm mức độ melatonin, tăng mức độ của một số hormone sinh sản và những thay đổi trong buồng trứng.

Đèn LED trong nhiều màn hình chứa rất ít hoặc không có ánh sáng hồng ngoại có lợi. Trong khi ánh sáng xanh dư thừa có thể tạo ra các loại oxy phản ứng (ROS) gây hại cho thị lực của bạn, và có thể dẫn đến thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD) – nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người Mỹ lớn tuổi.

Đèn LED cũng có thể làm trầm trọng thêm rối loạn chức năng ty thể (bào quan giúp biến đổi, chuyển hoá năng lượng trong thức ăn thành nguồn năng lượng mà tế bào sử dụng), góp phần gây ra các bệnh mãn tính từ rối loạn chuyển hóa đến ung thư.

Trong một thông cáo báo chí, Tiến sĩ Aylin Kilinç Uğurlu cho biết: “Mặc dù chưa có kết luận chính xác, nhưng chúng tôi khuyên trẻ em nên hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị có ánh sáng xanh, đặc biệt là vào ban đêm. Vì tiếp xúc với ánh sáng xanh có thể tác động lớn nhất đến nội tiết tố.”

Nếu bạn định nhìn chằm chằm vào màn hình vào ban đêm, thì điều cần thiết là phải chặn tiếp xúc với ánh sáng xanh. Đối với máy tính của bạn, bạn có thể cài đặt chương trình tự động giảm nhiệt độ màu của màn hình.

Ngoài ra, khi xem TV hoặc các màn hình khác, hãy nhớ đeo kính chặn ánh sáng xanh sau khi mặt trời lặn. Thậm chí tốt hơn là ngừng sử dụng màn hình hoàn toàn sau khi mặt trời lặn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ dễ bị tổn thương nhất trước tác hại của chúng.

Theo tiến sĩ Joseph Mercola