Thiếu máu đôi khi có biểu hiện khá âm thâm nên nhiều người nhầm lẫn với những vấn đề sức khỏe khác. Thiếu máu nhẹ thì xuất hiện sự mệt mỏi thường xuyên, xanh da, khó thở, tức ngực, quên nhớ thất thường… nhưng lâu ngày không điều trị có thể dẫn đến những tổn hại nghiêm trọng cho não, suy tim.

(ảnh: BigStock)
(ảnh: BigStock)

Theo các chuyên gia y tế, mặc dù không còn cảnh đói ăn như thời bao cấp xưa kia, nhưng tỉ lệ người thiếu máu không nhỏ, đặc biệt là ở phụ nữ đang độ tuổi mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già thiếu máu não, và ở những người có chế độ dinh dưỡng đơn sơ thiếu chất.

Dấu hiệu phổ biến của thiếu máu

Gần đây bạn thường bị mệt mỏi bất thường và cần ít nhất 3 cốc cà phê để có thể giữ được tỉnh táo? Rất có thể bạn đang gặp phải vấn đề thiếu máu – mệt mỏi là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất.

Thiếu máu có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng một số triệu chứng chung là:

  • Xanh xao ở da và niêm mạc: Thường rõ nhất ở lòng bàn tay, mô móng các ngón, niêm mạc mắt, miệng, họng…
  • Các rối loạn thần kinh: Dễ bị ngất, thoáng ngất. Thường ù tai, hoa mắt, chóng mặt,nhất là khi đang ngồi mà đứng lên, người rất hay mệt.
  • Cảm giác trống ngực đập mạnh, nhất là khi hơi gắng sức. Khám thấy tim đập nhanh, có thể nghe tiếng thổi tâm thu chức năng. Tuỳ theo mức độ và thời gian thiếu máu, diện tích tim to ra và có bệnh cảnh suy tim rõ rệt nhưng cần nhớ là ở đây ít khi thấy tim tái do tỷ lệ huyết cầu tố thấp.
  • Rối loạn tiêu hoá: Chán ăn, nôn, tiêu chảy, hoặc táo bón.
  • Ở phụ nữ còn thấy bế kinh, nam giới bất lực.

Các tế bào hồng cầu trong máu có nhiệm vụ vận chuyển oxy tới các mô của cơ thể. Nếu bạn bị thiếu máu thì có nghĩa là bạn không có đủ số lượng hồng cầu hoặc những tế bào này không đủ hemoglobin (một protein giàu sắt khiến cho hồng cầu có màu đỏ).

Theo giáo sư Robert T. Means thuộc Khoa nội, Đại học East Tennessee State (Johnson, Mỹ), thiếu máu cũng giống như bị sốt: đây không phải là một căn bệnh mà chính xác hơn là một triệu chứng cho thấy một vấn đề nào đó đang diễn ra trong cơ thể bạn.

Lý do phổ biến nhất gây nên thiếu máu là do cơ thể không đủ sắt để tổng hợp hemoglobin. Khi này chỉ cần tăng cường sắt bằng thực phẩm chức năng hoặc dùng một số thực phẩm giàu chất sắt, ví dụ: thịt bò, gan động vật, hải sản (tôm, cua, sò…), bông cải xanh, nho, mía…

Hầu hết những người bị thiếu máu đều không biết điều đó

Một số người mắc chứng thiếu máu có thể cảm thấy mỏi ở phần cơ xương, hầu hết mọi người đều không nhận ra sự bất ổn rõ ràng nào. Nếu không được điều trị, tình trạng thiếu máu có thể tiến triển nặng hơn khiến bạn ngày càng mệt mỏi, xanh xao vì tim phải làm việc gắng sức để bơm máu và cung cấp oxy cho các mô. Nếu không được điều trị, thiếu máu có thể dẫn tới suy tim.

Thiếu máu phổ biến hơn ở phụ nữ nhưng nghiêm trọng hơn đối với nam giới

Đối với phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, thiếu máu là triệu chứng khá phổ biến và thường là không quá nghiêm trọng. Bạn sẽ dễ bị thiếu máu chỉ đơn giản là do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt hay trong thời gian mang thai, và khắc phục tình trạng này cũng vô cùng đơn giản (sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung sắt hay có thể là thuốc tiêm chứa sắt).

Đối với nam giới, thiếu máu do thiếu sắt ở nam giới là một dấu hiệu cảnh báo khá nghiêm trọng (có thể là của bệnh ung thư trực tràng).

Những người ăn chay không phải quá lo ngại về chứng thiếu máu

Các loại thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa là những thực phẩm giàu sắt bậc nhất nhưng nếu bạn ăn chay thì hãy lưu ý đến đậu lăng, các loại đậu hạt, rau xanh (rau bina, rau cải xoăn), gạo lứt, và một số trái cây sấy khô như nho khô, mơ khô.

Để có thể hấp thu sắt tốt nhất, hãy tăng cường ăn những thực phẩm giàu vitamin C như ổi, bưởi, cam, súp lơ xanh.

Thói quen tiêu thụ cà phê có thể khiến bạn dễ bị thiếu máu

Bạn không cần thiết phải từ bỏ hoàn toàn sở thích uống trà hoặc cà phê của mình nhưng không nên uống giữa các bữa ăn. Lý do là chất caffeine trong trà và cà phê có thể cản trở sự hấp thu sắt từ thức ăn.

Do vậy, nếu bạn cần phải sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung sắt thì hãy nhớ nên uống vào thời điểm ít nhất trước 1 giờ hoặc 2 giờ sau khi tiêu thụ đồ uống chứa caffeine.

Không nên tự ý điều trị

Thiếu máu làm giảm chất lượng cuộc sống (Ảnh: Internet)
Thiếu máu làm giảm chất lượng cuộc sống (Ảnh: Internet)

Khi biết được mình bị thiếu máu, bạn sẽ tự ra hiệu thuốc và mua các loại thực phẩm chức năng bổ sung?

Tuy nhiên hãy cẩn thận. Bổ sung quá nhiều sắt so với nhu cầu có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn như khó tiêu và táo bón.

Hơn nữa, thừa sắt còn dễ gây một căn bệnh gọi là hemachromatosis (một rối loạn gây ra do cơ thể hấp thụ quá nhiều chất sắt từ chế độ ăn uống). Lượng sắt dư thừa được lưu trữ trong các mô và các cơ quan của cơ thể, đặc biệt là da, tim, gan, tuyến tụy, và khớp xương). Nó có thể dẫn đến viêm khớp, tiểu đường, bệnh gan và nhiều vấn đề khác.

Nếu bạn nghi ngờ rằng mình đang bị thiếu sắt, tốt nhất là nên tới bệnh viện xét nghiệm máu và được bác sĩ điều trị. Cách an toàn nhất bạn có thể tự làm là điều chỉnh thói quen ăn uống cho đa dạng hơn, đồng thời cần lưu ý đến nghỉ ngơi và vận động cơ bắp.

Những người mắc chứng thiếu máu dễ thèm ăn một số thứ kỳ lạ

Mặc dù không biết rõ nguyên nhân nhưng những người bị thiếu máu do thiếu sắt dễ bị nghiện một số thứ khá kỳ lạ mà các bác sỹ gọi là hội chứng pica.

Không phải sô-cô-la hay khoai tây chiên, thứ mà nhiều người nghiện nhất đó là nước đá. Theo BS. Means, nhiều phụ nữ có thể biết được khi nào họ bị thiếu máu, đơn giản là vì lúc đó họ cực kỳ thèm nhai đá. Tuy nhiên có nhiều thứ còn kỳ quặc hơn: nhiều phụ nữ lại rất có hứng thú với tàn thuốc lá trong khi một số khác lại thích gặm bìa các tông. May mắn là chứng nghiện kỳ lạ này sẽ biến mất ngay lập tức khi nồng độ sắt trong cơ thể được khôi phục trở lại.

Theo prevention/vienyhocungdung
Kiên Thành

Xem thêm: