Trước đây, những người cả ngày đeo tai nghe để nghe nhạc thường là giới trẻ. Tuy nhiên hiện nay, cùng với sự phổ biến của MP3 và điện thoại thông minh, dù là nghe nhạc, xem phim, chơi game, thì để tránh làm phiền người khác, không kể già trẻ lớn bé – ngày càng có nhiều người cũng bắt đầu đeo các loại tai nghe.

Không chỉ có vậy, khi dạy học hoặc chia sẻ kinh nghiệm, nhiều người cũng khuyên những người học ngôn ngữ rằng khi ngủ có thể đeo tai nghe để nghe nhạc, nghe radio… tận dụng phần tiềm thức khi ngủ để học. Tuy nhiên, điều này có thực sự đúng đắn?

Đeo tai nghe khi ngủ có thể dẫn đến "điếc đột ngột"
Sử dụng tai nghe không đúng cách sẽ gây tổn thương khó phục hồi cho tai. (Ảnh: Shutterstock)

Gần đây có một học sinh lớp 2 ở Đài Loan đeo tai nghe khi ngủ, sáng dậy phát hiện một bên tai bị mất thính giác, không nghe thấy âm thanh nữa. Gia đình vội vàng đưa đến bệnh viện thì mới biết là bị “điếc đột phát”, sau khi nằm viện 5 ngày mới dần phục hồi trở lại.

Sự việc này được giáo sư Điền Huy Tích – Chủ nhiệm khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Á châu (Đài Loan) chia sẻ. Ông chỉ ra rằng ngày nay có rất nhiều người thích hưởng thụ không gian riêng nhờ vào việc đeo tai nghe. Cách này ít gây phiền phức đối với giới trẻ, chỉ cần nghe 50 phút nghỉ 10 phút, thính lực sẽ không dễ bị ảnh hưởng. Chỉ là nếu âm lượng quá lớn, lâu dần có thể sẽ khiến các tế bào lông không chịu nổi.

Ông Điền Huy Tích nhắc nhở rằng tuyệt đối đừng đeo tai nghe khi ngủ. Bởi vì khi ở trong trạng thái ngủ, tuần hoàn máu của cơ thể sẽ chậm lại, nếu các tế bào lông vẫn tiếp tục chịu kích thích, nhưng máu lại không thể cung cấp kịp thời thì sẽ gây hiện tượng điếc đột ngột. Cậu bé mà ông chữa trị là do trong khi ngủ một bên tai nghe bị rơi ra, nếu không thì cả hai tai đều sẽ bị tổn thương.

Đeo tai nghe khi ngủ có thể dẫn đến "điếc đột ngột"
“Tai nghe chụp tai” bớt nguy hại cho tai hơn là “tai nghe nhét tai”. (Ảnh: Shutterstock)

Vậy thì những loại tai nghe nào gây hại đến tai nhất? Giáo sư Điền Huy Tích cho hay, “tai nghe nhét tai” có hại cho tai nhất, vì theo nghiên cứu, loại âm lượng của tai nghe này không thể tản ra ngoài được. Nếu phải đeo tai nghe, hãy cố gắng lựa chọn kiểu “tai nghe chụp tai”, âm lượng dễ phân tán, hoặc tai nghe ôm vành tai cũng khá tốt.

Minh Ngọc

Xem thêm: