Trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) đã đăng tải một bài viết của giáo sư tâm lý học Jean Twenge tại Đại học San Diego State University, trong đó ông chỉ ra rằng điện thoại thông minh chính là thủ phạm gây tổn hại sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên sinh sau năm 1995.

Giáo sư tâm lý học Jean Twenge đã công bố kết quả nghiên cứu mới trên tạp chí Clinical Psychological Science cho thấy, số lượng thanh thiếu niên sinh sau năm 1995 có triệu chứng trầm cảm và khuynh hướng tự sát đang gia tăng, bất kể là thuộc chủng tộc hay khu vực sinh sống nào. Ông viết: “Phân tích của chúng tôi cho thấy thế hệ thanh thiếu niên mà tôi gọi là Thế hệ I (iGen) – những người sinh sau năm 1995 – có nhiều khả năng gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần hơn so với thế hệ trước đó là Millennials.”

Bài viết ước tính vào năm 2012, thanh thiếu niên Mỹ bắt đầu xuất hiện nhiều vấn đề trong cuộc sống cá nhân của họ. Theo một kết quả khảo sát quy mô toàn quốc, trong thời gian 5 năm kể từ 2010-2015, số lượng thanh thiếu niên Mỹ cảm thấy bản thân vô dụng và trầm cảm tăng lên 33%, tỷ lệ thanh niên có khuynh hướng tự sát cũng tăng lên 23%, thậm chí còn hơn thế nữa. Chỉ tính riêng thanh thiếu niên độ tuổi từ 13-18, tỷ lệ tự sát cũng tăng lên 31%.

Vậy thì rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra với đa số thanh thiếu niên khiến họ trở nên trầm cảm và có khuynh hướng tự sát, thậm chí đã tự sát trong thời gian ngắn như vậy? Jean Twenge và nhóm nghiên cứu khẳng định rằng, nguyên nhân khiến bóng ma trầm cảm và tự tử đè nặng lên những người sinh sau năm 1995 chính là điện thoại thông minh.

codon
Nguyên nhân khiến bóng ma trầm cảm và tự tử đè nặng lên những người sinh sau năm 1995 chính là điện thoại thông minh. (Ảnh: Pixabay)

Khoảng thời gian từ 2010 – 2105 là giai đoạn kinh tế tăng trưởng ổn định, tỷ lệ thất nghiệp do suy thoái kinh tế không phải là nguyên nhân then chốt khiến những vấn đề nêu trên phát sinh. Sự bất đồng về thu nhập (cho đến nay vẫn đang tồn tại) cũng là một vấn đề, nhưng không phải là sau năm 2010 vấn đề này mới xuất hiện. Suốt nhiều thập kỷ qua, khoảng cách giữa người giàu và nghèo ở Mỹ vẫn luôn tồn tại. Xét ở một khía cạnh khác, trong giai đoạn 5 năm này, số lượng bài tập về nhà cho thanh thiếu niên cũng hầu như không thay đổi, nên nguyên nhân càng không thể xuất phát từ áp lực học hành.

Theo dữ liệu của Pew Research Center, một tổ chức nghiên cứu độc lập của Mỹ, vào khoảng cuối năm 2012, hơn một nửa số thanh thiếu niên Mỹ bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh. Và sau đó không lâu đã gia tăng vấn nạn trầm cảm và tự sát ở trẻ vị thành niên. Đến năm 2015, nước Mỹ có khoảng 73% thanh thiếu niên sử dụng điện thoại thông minh.

Không chỉ bản thân việc sử dụng điện thoại thông minh sẽ làm gia tăng triệu chứng trầm cảm, mà thời gian lướt web online ít hay nhiều cũng có liên quan đến vấn đề sức khỏe tinh thần. Nếu một người sử dụng điện thoại truy cập mạng trên 5 tiếng mỗi ngày, thì nguy cơ trầm cảm và tự tự tăng lên đến 71% so với những người chỉ truy cập 1 tiếng mỗi ngày. Nguy cơ tự tử gia tăng đáng kể từ mốc sử dụng 2 giờ/ngày.

Một nghiên cứu khác trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy, sử dụng mạng xã hội càng lâu thì tâm trạng càng trở nên khó chịu. Khi ngừng sử dụng Facebook trong khoảng một tuần, điều đáng ngạc nhiên là những người tham gia thử nghiệm không còn xuất hiện tình trạng khó chịu đó nữa.

Cho dù khoảng thời gian truy cập mạng Internet không trực tiếp gây tổn hại sức khỏe tinh thần, nhưng cũng có những tác động tiêu cực đến người trẻ tuổi, đặc biệt là khi thời gian truy cập mạng chiếm mất thời gian vốn dành cho các hoạt động khác.

 

cut hung do dien thoai Phubbing
(ảnh: Dollar Photo Club)

Trong quá trình nghiên cứu khảo sát, thời gian tương tác với bạn bè của thanh thiếu niên thế hệ I càng ngày càng ít, mà giao tiếp xã hội trực diện chính là một trong những phương thức mang đến niềm vui và hạnh phúc cho con người. Nếu như không có giao tiếp xã hội với người khác, cảm xúc của người ta sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng, dần dần sẽ dẫn đến chán nản. Cảm giác bị cô lập trong xã hội cũng là một trong những nhân tố nguy cơ nhất dẫn đến tự sát. Những thanh thiếu niên nào thời gian dài vào mạng Internet thì càng dễ có xu hướng mắc chứng trầm cảm.

Kể từ năm 2012, thời gian tham gia các hoạt động xã hội vốn có lợi cho sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên càng ngày càng ít, mà thời gian truy cập mạng khiến hao tổn sức khỏe tinh thần thì càng lúc càng nhiều.

Giấc ngủ không đầy đủ cũng là một nhân tố tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến trầm cảm. Những thanh niên sử dụng điện thoại thông minh thường hay vào mạng Internet khuya càng dễ bị thiếu ngủ, đây cũng là một trong những nguyên nhân giải thích cho việc những vụ tự tử và bị trầm cảm ở người trẻ tuổi gia tăng đột biến.

Có nhiều nguyên nhân gây trầm cảm và tự sát, bao gồm di truyền, hoàn cảnh gia đình, bị khinh thường sỉ nhục hay bị chấn thương tâm lý…. Cho dù bạn ở thời đại nào, một số thanh thiếu niên vẫn luôn phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Đáng chú ý là, nếu thời gian sử dụng điện thoại thông minh quá lâu, những thanh thiếu niên vốn không gặp vấn đề gì về sức khỏe tinh thần cũng dần dần thiếu giao tiếp với xã hội hoặc thiếu ngủ mà dẫn đến bị trầm cảm.

Minh Nhật

Xem thêm: