Muối rất quan trọng đối với sức khỏe nhưng nếu bạn nạp vào cơ thể quá nhiều thì sẽ gây ra nhiều tác hại khôn lường. Giảm bớt lượng muối ăn vào sẽ mang đến cho bạn rất nhiều lợi ích bất ngờ.

shutterstock 2091900406
Giảm 1 gram muối ăn mỗi ngày làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. (Nguồn: frantic00/ Shutterstock)

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí BMJ Nutrition Prevention & Health, các mô phỏng máy tính cho thấy chỉ cần giảm 1 gram lượng muối ăn vào mỗi ngày là có thể làm giảm 9 triệu trường hợp liên quan đến bệnh tim và cứu sống 4 triệu người vào năm 2030.

Một số sự thật về muối

Muối, còn được gọi là natri clorua, là một nguyên liệu quan trọng, thiết yếu trong chế độ ăn uống của con người. Muối mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của chúng ta, ví dụ như muối giúp cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể.

Theo Trường Y tế Công cộng Harvard: “Cơ thể con người cần một lượng nhỏ natri để làm chất dẫn truyền các xung thần kinh, co và thư giãn các cơ, đồng thời duy trì sự cân bằng thích hợp của nước và khoáng chất”.

Tuy muối rất quan trọng nhưng ăn quá nhiều muối lại gây ra phản ứng ngược cho cơ thể. Mỗi chúng ta đều cần nạp một lượng muối nhất định (phù hợp) để các chức năng cần thiết trong cơ thể hoạt động trơn tru. Từ khóa bạn cần ghi nhớ chính là “sự điều độ”. 

Theo hướng dẫn của Dietary Guidelines for Americans, những người từ 14 tuổi trở lên nên tiêu thụ 2,3 gram natri mỗi ngày, còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nên nạp ít hơn 2 gram natri mỗi ngày. Tiêu thụ quá nhiều muối có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như sỏi thận, huyết áp cao và bệnh tim.

Nhìn chung, ăn quá nhiều muối có thể làm bạn bị tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, sau đó, bạn có thể bị xơ vữa động mạch, mắc bệnh tim và tử vong do bệnh tim mạch. Đây [bệnh tim] là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới”, tiến sĩ Ernst von Schwarz, một bác sĩ tim mạch được chứng nhận ở Los Angeles, nói với Medical News Today.

Kết quả nghiên cứu về muối

Tiến sĩ Monique Tan đến từ Đại học Queen Mary của London là người đứng đầu cuộc nghiên cứu. Tiến sĩ Tan và các đồng nghiệp của bà đã sử dụng mô phỏng trên máy tính để xác định xem công dân Trung Quốc cần giảm ăn muối ở mức độ nào để có sức khỏe tốt hơn. 

Theo các tác giả nghiên cứu, công dân Trung Quốc tiêu thụ khoảng 11g muối mỗi ngày, cao hơn gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong số các ca tử vong ở Trung Quốc thì có tới 40% liên quan đến bệnh tim mạch. Vì ăn quá nhiều muối có thể gây ra các vấn đề về tim, nên các nhà nghiên cứu đã tích hợp cả các dữ liệu liên quan trong các bài nghiên cứu về tim khác cho đợt mô phỏng máy tính lần này. 

Các tác giả nghiên cứu xem xét rất kỹ các dữ liệu có khả năng hỗ trợ làm giảm huyết áp tâm thu (SBP), đây là con số cần quan tâm nhất trên kết quả đo huyết áp. Dữ liệu này rất quan trọng vì huyết áp tâm thu cao có khả năng làm tăng nguy cơ gây ra biến cố tim và ăn quá nhiều muối thì có thể làm tăng SBP.

Mô phỏng nghiên cứu cho thấy giảm 1g muối ăn vào có thể giảm 4% nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim và 6% nguy cơ đột quỵ.

Các tác giả nói rằng nếu mọi người duy trì mức giảm 1g này cho đến năm 2030 thì có thể ngăn chặn được 9 triệu trường hợp mắc bệnh tim mạch. Họ ước tính trong số đó sẽ có 4 triệu trường hợp tử vong, nói cách khác, ăn ít đi 1g muối có thể cứu sống 4 triệu người ở Trung Quốc vào năm 2030.

Việc cắt giảm lượng muối không chỉ giúp hạn chế các ca bệnh tim mạch mà còn bớt đi gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của các quốc gia.

Các giới hạn của nghiên cứu

Các tác giả lưu ý rằng nghiên cứu này có một hạn chế: Các mô phỏng máy tính của họ không thể tính toán được hết tất cả các lợi ích tiềm năng của việc cắt giảm 1g muối. Ví dụ, các tác giả ghi nhận việc ăn nhiều muối và huyết áp tăng có liên quan đến nhau. Họ viết rằng giảm lượng muối ăn vào cũng sẽ làm giảm “sự gia tăng huyết áp liên quan đến lão hóa”, nhưng các mô phỏng máy tính không thể định lượng được điều này.

Tiến sĩ Richard Wright, một bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John’s ở Santa Monica, CA, đã nói chuyện với MNT về kết quả nghiên cứu và đề cập đến những hạn chế mà ông thấy trong nghiên cứu.

“Đây là một phân tích hấp dẫn nhưng kết luận cần phải được đưa ra theo cách chắc chắn hơn. Vấn đề đầu tiên là họ sử dụng dữ liệu [về việc hạn chế ăn muối] trong vài tuần để đánh giá lợi ích tiềm năng cho nhiều năm sau. Các phân tích trong bài báo thực sự có thể suy đoán và dự đoán về các lợi ích sức khỏe mà chúng ta có thể nhận được. Nhưng các thí nghiệm nhằm chứng minh rằng việc ăn giảm muối sẽ làm giảm các biến cố tim mạch lại không thể thực hiện ở người”, Tiến sĩ Wright nhận xét.

Làm thế nào để hạn chế ăn muối?

Tiến sĩ von Schwarz cho biết natri có trong hầu hết các loại thực phẩm như bánh mì, một số loại thịt và đồ ăn nhẹ. Để kiểm soát lượng muối ăn vào, bạn cần đọc bảng thành phần dinh dưỡng trên nhãn dán của thực phẩm trước khi sử dụng.

Ngoài ra, bạn cũng không nên chấm ngập đồ ăn, trái cây vào nước chấm, muối chấm. Khi ăn nước mắm thì hãy pha loãng ra. Với các món kho, rang, rim thì nêm nếm vừa miệng, không nên ăn kèm thêm với nước chấm (tốt nhất là ăn món luộc, hấp). Hạn chế ăn các món như dưa muối, cà muối, cá muối, thịt muối, đồ đóng hộp chế biến sẵn. Các loại hải sản như sò, tôm, cua, ngao thường chứa hàm lượng muối cao nên khi chế biến bạn nên cho ít muối.