Hôm Chủ nhật, Guinea đã tuyên bố đợt dịch Ebola mới đang bùng phát ở nước này sau khi đã có 3 người chết và 4 người bị ốm với các kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Đây là đợt tái bùng phát dịch bệnh đầu tiên tại nước này kể từ đợt bùng phát tồi tệ nhất thế giới hồi năm 2013 – 2016.

Các bệnh nhân tại Guinea đã có các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa và chảy máu sau khi tham dự một lễ chôn cất ở quận Goueke. Những người còn sống đã được cách ly trong các trung tâm điều trị, Bộ Y tế nước này cho biết.

“Đối mặt với tình hình này và phù hợp với các quy định y tế quốc tế, chính phủ Guinea tuyên bố có dịch Ebola”, Bộ Y tế tuyên bố.

Một trong số những người nhiễm bệnh và qua đời được chôn cất vào ngày 1/2 là một y tá tại trung tâm y tế địa phương. Người này tử vong sau khi được chuyển đến Nzerekore, một thành phố gần biên giới với Liberia và Bờ Biển Ngà để điều trị.

Đợt bùng phát dịch Ebola năm 2013 – 2016 tại Tây Phi bắt đầu ở Nzerekore, nơi gần các biên giới đông đúc đã cản trở nỗ lực ngăn chặn virus. Dịch bệnh khi đó đã giết chết ít nhất 11.300 người, với phần lớn các trường hợp ở Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Việc đối phó với Ebola sẽ khiến các nỗ lực y tế ở Guinea thêm căng thẳng vì họ cũng đang phải chiến đấu với đại dịch virus Vũ Hán. Guinea, đất nước có khoảng 12 triệu dân, cho đến nay đã ghi nhận 14.895 ca nhiễm virus corona và 84 ca tử vong.

Virus Ebola gây nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng, lây lan qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể. Tỷ lệ tử vong của Ebola cũng cao hơn nhiều so với COVID-19, nhưng không giống như virus corona, nó không lây truyền qua những người mang mầm bệnh mà không biểu hiện triệu chứng.

Bộ Y tế Guinea cho biết các nhân viên y tế đang cố gắng truy tìm và cô lập những người tiếp xúc với các ca bệnh Ebola và sẽ mở một trung tâm điều trị ở Goueke, cách Nzerekore khoảng một giờ lái xe.

Các nhà chức trách cũng đã yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp vắc-xin Ebola.

“Đó là một mối lo ngại lớn khi chứng kiến ​​sự bùng phát trở lại của Ebola ở Guinea, một quốc gia đã phải hứng chịu rất nhiều dịch bệnh”, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, Matshidiso Moeti, cho biết trong một tuyên bố.

Do mức độ bùng phát mới gần biên giới, WHO đang làm việc với các cơ quan y tế ở Liberia và Sierra Leone để tăng cường năng lực giám sát và xét nghiệm, tuyên bố cho biết.

Đợt bùng phát Ebola lớn thứ hai được ghi nhận đã được tuyên bố kết thúc tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) vào tháng 6 năm ngoái sau gần hai năm và hơn 2.200 trường hợp tử vong.

Nhưng vào Chủ nhật, DRC đã báo cáo một trường hợp nhiễm Ebola mới thứ tư ở tỉnh Bắc Kivu, nơi đã công bố sự hồi sinh của virus vào ngày 7/2.

Thanh Thủy (theo Epoch Times)

Xem thêm: