Hạt hạnh nhân là món ăn vặt được nhiều người ưa thích. Hạt hạnh nhân có thành phần dinh dưỡng cao, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt hạt hạnh nhân rất tốt cho bà mẹ mang thai và kích thích phát triển bộ não ở trẻ và cho các bệnh tim mạch. Thông thường “hạnh nhân” mà chúng ta ăn chính là hạt của quả hạnh đào.

hanh nhan
Hạnh nhân là loại hạt thuộc họ đào, có thể ăn hoặc dùng làm thuốc (Ảnh: Adobe Stock)

Hạnh nhân có hai loại đắng và ngọt. Thường thì hạnh nhân ngọt được gọi là nam hạnh, hạnh nhân đắng gọi là bắc hạnh. Loại ngọt dùng làm thực phẩm, loại đắng dùng làm thuốc, hạnh nhân đắng có hình tim, trái phải không đối xứng; hạnh nhân ngọt thì lớn hơn, trái phải đối xứng; hạnh nhân chưa qua xử lý, đặc biệt là hạnh nhân đắng có chứa amygdalin, khi ngâm trong nước sẽ giải phóng ra hydro xyanua, ăn quá nhiều có thể sẽ bị trúng độc xyanua.

Dùng hạnh nhân đúng cách sẽ có tác dụng tiết nhiều nước bọt ngăn khát nước, nhuận phế, chữa hen, nhuận tràng, giảm ung thư ruột. Vì hạnh nhân có chứa chất độc hydro xyanua, dùng quá nhiều sẽ gây trúng độc, do đó trước khi ăn phải ngâm qua nước và luộc qua nước sôi nhằm làm giảm chất độc hydro xyanua.

Hạnh nhân dùng làm thuốc là hạnh nhân khô hay bắc hạnh, tính đắng, ấm, có độc. Có công dụng chữa ho, hen suyễn, nhuận trường. Bởi vì có độc nên không được dùng quá nhiều và tránh dùng cho trẻ nhỏ.

Hạnh nhân ngọt dùng làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, ăn một lượng vừa phải không chỉ có thể có tác dụng kiểm soát hàm lượng cholesterol trong cơ thể, mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như nhiều loại bệnh mãn tính khác. Người ăn chay khi ăn hạnh nhân ngọt có thể bổ sung protein, nguyên tố vi lượng và vitamin, ví dụ như sắt, kẽm và vitamin E. 

Hạnh nhân đắng có thể chữa ho, hen suyễn, nhuận tràng, chữa các bệnh về phổi, v.v,  hạnh nhân ngọt thiên về tính ẩm, có tác dụng bổ phổi.

Tôn Tư Mạc nói về hạnh nhân như sau: “Hạnh nhân dùng nấu canh mà có bọt trắng ăn vào sẽ gây nóng”, vì vậy khi nấu canh hạnh nhân cần phải vớt bỏ bọt trắng.

Trong cuốn “Dưỡng Tính Yếu Sao” có nói: “Trị tiêu chảy mệt mỏi do trúng độc hạnh nhân, lấy nước quả mơ để giải độc”. Do đó khi có hiện tượng trúng độc hạnh nhân có thể uống một chút nước ép quả mơ để giải độc.

Trong cuốn “Bản Thảo Cầu Chân” có nói: “Hạnh nhân vừa có thể tán phong hàn, lại có thể chữa hen suyễn, người ta nói cay tán tà, đắng hạ khí, nhuận chữa táo bón, ấm tan đờm. Hạnh nhân có đủ các vị, cứ phổi cảm thấy lạnh, ho hen không ngừng, nặng bụng táo bón, nóng người đau đầu cũng như cổ độc (trùng độc), mụn nhọt, vết thương lở loét, vết thương chó cắn, trúng độc thiếc, các vết thương do kim loại, không có gì là không chữa được.” Có thể thấy, hạnh nhân có rất nhiều công dụng.

Trong quyển “Bản Thảo Tân Biên” có nói: “Hạnh nhân, vị ngọt, đắng, khí ấm, trong âm có dương trong dương có âm, hơi độc. Chuyên trị thái âm phế kinh. Là loại thuốc có lợi, chữa hen suyễn, ho, đờm, nhuận tràng, bế khí táo bón, tê liệt.”

Thanh Xuân

Xem thêm: