Ngày nay nhiều người có thói quen sử dụng hoa tam thất như một thứ trà uống hằng ngày, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về loại thảo dược này.

hoa tam that
Hoa tam thất (ảnh: internet)

Tam thất có công dụng gì?

Theo y học hiện đại, trong tam thất có nhiều loại Saponin. Thí nghiệm trên động vật cho thấy Tam thất có tác dụng tăng sức hoạt động, tăng sức đề kháng, không gây tăng huyết áp và tác dụng lên hệ nội tiết.

Theo Đông y, tam thất có vị ngọt, đắng, tính ấm, đi vào kinh can, vị. Tam thất có tác dụng tán ứ huyết, định thống (giảm đau). Tam thất thường được dùng trong các trường hợp nôn ra máu, chảy máu cam, đi lị ra máu, băng huyết, tiêu thũng. Đặc biệt đây là vị thuốc quan trọng trong điều trị các vết thương ngoài da do dao đâm, vết thương đụng dập.

Theo một số sách bản thảo kinh điển như Bản thảo cương mục, Bản thảo bị yếu, Thần Nông bản thảo, ngoài rễ tam thất được sử dụng với tác dụng kể trên, lá tam thất cũng được dùng tương tự. Lá tam thất dùng đắp các vết thương chảy máu để cầm máu, tiêu thũng. Tuy nhiên hoa tam thất lại không được các tài liệu kể trên ghi chép như một vị thuốc.

Công dụng của hoa tam thất

Hoa tam thất được nghiên cứu sử dụng và ghi chép trong một số tài liệu xuất bản gần đây. Theo Trung dược đại từ điển xuất bản năm 1977, hoa tam thất vị ngọt tính mát, tác dụng thanh nhiệt, bình can, hạ áp, trị tăng huyết áp, hoa mắt, đau đầu, ù tai, viêm họng cấp. Theo sách Trung Hoa bản thảo xuất bản năm 1999, nghiên cứu trên động vật cho thấy hoa tam thất có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp trong thời gian ngắn, tác dụng kháng viêm.

Ngoài ra, trong một số tài liệu khác, hoa tam thất còn có một số tác dụng khác như trấn tĩnh an thần, sáng mắt, giảm béo, hạ mỡ máu, chống ung thư, tăng cường miễn dịch…

Những người không nên sử dụng hoa tam thất

Với những tác dụng kể trên, rất nhiều người đang sử dụng hoa tam thất như một loại trà giúp tằng cường sức khỏe nhưng cũng có một số trường hợp không nên dùng loại thảo dược này.

1. Người thuộc thể trạng hàn, thường thấy lạnh, đại tiện lỏng nát, bàn tay bàn chân lạnh… Hoa tam thất tính mát, dùng cho người thể trạng hàn sẽ càng hàn hơn.

2. Nữ giới đang hành kinh. Trong lúc hành kinh, phụ nữ không nên sử dụng những đồ có tính mát, lạnh. Hơn nữa hoa tam thất lại có tác dụng hoạt huyết hóa ứ có thể khiến kinh nguyệt ra quá nhiều. Trường hợp người phụ nữ vốn có huyết ứ làm kinh nguyệt không điều hòa có thể dùng tam thất để điều hòa kinh nguyệt, tuy nhiên cần sử dụng dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc.

3. Người đang cảm lạnh cũng không nên dùng hoa tam thất vì có thể làm cảm lạnh nặng hơn.

4. Phụ nữ có thai tuyệt đối không nên tự ý sử dụng hoa tam thất và các loại thảo dược từ tam thất vì tác dụng hoạt huyết có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.

5. Hoa tam thất có tính lạnh cũng không nên sử dụng thường xuyên trong thời gian dài bởi tính mát của hoa tam thất khi sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng tới vị khí gây ăn uống kém, đầy bụng, châm tiêu… lâu hơn sẽ ảnh hưởng đến dương khí của cơ thể.

Kết luận

Hoa tam thất chủ yếu được sử dụng gần đây với nhiều tác dụng được nghiên cứu và theo kinh nghiệm, tuy nhiên để có hiệu quả sử dụng tốt nhất cũng như không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chúng ta nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.

Huyền Đăng

Xem thêm: