Không lâu sau khi bắt đầu đi học, một cậu bé 9 tuổi ở Thẩm Dương, Trung Quốc được chẩn đoán là mắc bệnh tiểu đường. Các bậc cha mẹ không khỏi băn khoăn: Tiểu đường chủ yếu mắc ở người lớn tuổi hoặc cao tuổi, trẻ nhỏ như vậy sao lại có thể mắc phải căn bệnh này?

tiểu đường
Bệnh tiểu đường là chứng bệnh nguy hiểm, hiện đang có xu hướng trẻ hóa. (Ảnh minh họa: Ground Picture/ Shutterstock)

Được biết, bệnh nhân này là một học sinh tiểu học. Một tuần sau khi khai giảng, cô giáo nói với mẹ của cậu bé rằng cậu thường xin cô giáo đi vệ sinh. Sau vài ngày theo dõi, mẹ của bé cũng nhận thấy con của mình đặc biệt khát nước và sút cân nên lập tức đưa đứa trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng Thẩm Dương để chẩn đoán.

Bác sĩ Li Yao, trưởng khoa nội tiết nhi tại bệnh viện nhi Thẩm Dương, cho biết: Xét về hình thể, cậu bé béo hơn nhiều so với những đứa trẻ cùng tuổi. Sau khi đi khám, kết quả cho thấy cậu bé đã bị tiểu đường tuýp 2.

Tiểu đường là bệnh nguy hiểm, chủ yếu mắc ở người cao tuổi hay những người có thói quen ăn uống không lành mạnh. Tuy nhiên theo thống kê, bệnh tiểu đường đang dần trẻ hóa và thậm chí là đã xuất hiện ở trẻ em. Căn bệnh này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Chuyên gia cảnh báo những yếu tố dễ dẫn đến bệnh tiểu đường ở trẻ em

tre con nuoc ngot
Bim bim, kẹo, bánh ngọt, nước ngọt… không mang lại giá trị dinh dưỡng cho cơ thể nhưng lại chứa nhiều nguy cơ. (Ảnh: Shutterstock)

Ngày nay chế độ ăn của trẻ em có nhiều chất béo và nhiều calo, khiến cơ thể trẻ tích tụ quá nhiều mỡ. Một số trẻ trong số đó còn thiếu vận động ngoài trời, dẫn đến việc không tiêu hao đủ lượng đường và chất béo, dần dần phát triển thành béo phì. 

“Béo phì quá mức có thể ảnh hưởng đến tác dụng hạ đường huyết của insulin trong cơ thể, dẫn đến tăng đường huyết, tăng huyết áp và tăng lipid máu, đây được coi là một loại bệnh chuyển hóa toàn diện,” bác sĩ Li Yao cho biết.

Cha mẹ cần lưu ý những triệu chứng này của trẻ trong cuộc sống hàng ngày

Biểu hiện điển hình của bệnh tiểu đường là ‘3 nhiều và 1 ít’, tức là uống nhiều nước, đi tiểu nhiều, ăn nhiều và sụt cân. 

Khi trẻ béo phì mà có các triệu chứng trên, cha mẹ nên chú ý và đưa trẻ đi khám bác sĩ kịp thời.

Ngoài ra, trẻ béo phì, trẻ tiểu đường nên giảm ăn và tăng cường vận động. Áp dụng chế độ ăn nhạt hàng ngày, lương thực chủ yếu nên là sự kết hợp giữa ngũ cốc thô và mịn, ăn nhiều rau lá xanh, tránh hoặc ăn ít thực phẩm có hàm lượng đường cao.

Tuân thủ các bài tập thể dục với cường độ vừa phải 1 giờ mỗi ngày như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, chơi bóng bàn và cầu lông, v.v Vận động hợp lý có thể giúp trẻ cân bằng lượng calo và kiểm soát cân nặng, đồng thời có thể tăng độ nhạy cảm của cơ với insulin. Từ đó giúp cho việc tăng cường kiểm soát đường trong máu và thể lực diễn ra tốt hơn.

Hiện nay, ngày càng có nhiều trẻ em béo phì và đồng thời tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ cũng đang dần tăng lên và có xu hướng trẻ hóa. Thừa cân hay béo phì đều là các biểu hiện thường gặp ở trẻ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Do đó cha mẹ nên chú ý rèn luyện cho trẻ thói quen ăn uống tốt để trẻ tránh mắc phải căn bệnh tiểu đường nguy hiểm này.