Cà chua mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như cải thiện thị lực, giảm cân, mượt tóc, giảm đường trong máu, phòng chống ung thư… Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể ăn cà chua thoải mái.

Vậy khi nào thì bạn nên cân nhắc ngưng hoặc hạn chế dùng cà chua cho bữa cơm?

cà chua
(Ảnh: Pixabay)

1. Khi bị mắc bệnh tự miễn

Bệnh tự miễn là từ để chỉ các bệnh sinh ra do sự rối loạn xảy ra tại hệ miễn dịch trong cơ thể con người có chức năng bảo vệ, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và bệnh tật. Tự miễn tức là cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại chính các tế bào của mình, từ đó dẫn đến hậu quả là tự hủy hoại chính mình. Bình thường, ngay từ khi sinh ra hệ miễn dịch của cơ thể đã có chức năng nhận diện những yếu tố “lạ – quen” đối với cơ thể, để hình thành các kháng thể chỉ chống lại các yếu tố “lạ”, bảo vệ các yếu tố “quen”. Nhưng vì một lý do nào đó, các tế bào trong cơ thể bị biến đổi cấu trúc trở thành yếu tố “lạ” mà hệ miễn dịch của cơ thể không nhận dạng được, dẫn tới kích hoạt hệ miễn dịch sinh ra kháng thể chống lại các tế bào của chính mình và gây ra bệnh tự miễn.

Các hợp chất alcaloid trong cà chua có thể làm nặng thêm tình trạng viêm trong cơ thể. Điều này đặc biệt gây hại đối với những người mắc các bệnh tự miễn. Rất nhiều người mắc bệnh này đã loại bỏ nhóm thực phẩm họ “cà” ra khỏi chế độ ăn để cải thiện tình trạng bệnh.

2. Khi mắc vấn đề về tiết niệu

Trong cà chua có chất giúp dịch vị bài tiết một cách bình thường, bảo đảm cho hồng cầu được tạo thành, có lợi cho việc duy trì tính đàn hồi của thành mạch máu và bảo vệ làn da. Ăn cà chua có tác dụng hỗ trợ phòng tránh và trị liệu các bệnh xơ cứng động mạch, cao huyết áp. Cà chua chứa nhiều nước, lợi tiểu, cũng thích hợp cho người bị viêm thận sử dụng. Nhưng axit trong cà chua có thể kích thích bàng quang nên công dụng lợi tiểu chỉ đúng với người sức khỏe bình thường. Còn khi bạn không tự chủ được các vấn đề về tiết niệu, tốt nhất là nên tránh hoặc cắt giảm các thực phẩm này.

cà chua
(Ảnh: Shutterstock)

3. Khi mắc hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích (IBS) còn được gọi là đại tràng co thắt, đại tràng kích thích, viêm đại tràng tiết nhầy, và viêm đại tràng co thắt. Đó là một tình trạng riêng biệt so với bệnh viêm ruột và không liên quan đến các bệnh đường ruột khác. Hội chứng ruột kích thích gây ra những cơn đau co thắt mạnh và khiến người bệnh thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, phân không ổn định, ăn uống không được thoải mái.

Ăn cà chua có thể kích hoạt các triệu chứng của bệnh IBS như tiêu chảy, chuột rút đau đớn, đầy hơi và táo bón. Bạn cũng nên tránh các loại thức ăn có nhiều dầu mỡ, cay chua và các loại thức ăn gây kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá. Đối với một số người, thêm gia vị và thảo dược như gừng, bạc hà và hoa cúc giúp làm giảm một số triệu chứng của IBS.

4. Khi cơ thể dễ bị dị ứng

Có một số người bị dị ứng với hợp chất gọi là histamine, cà chua có thể gây phản ứng dị ứng. Các triệu chứng dị ứng bao gồm chàm, phát ban da, hắt hơi, cảm giác ngứa ở cổ họng, sưng mặt và lưỡi. Cà chua cũng được cho là gây viêm da dị ứng ở một số người. Một phản ứng dị ứng với cà chua cũng có thể dẫn đến khó thở.

10 loại thực phẩm không chỉ ngon mà còn làm sạch đồ đạc trong nhà
(Ảnh: Shutterstock)

5. Khi có vấn đề về thận

Cà chua chứa rất nhiều oxalate, hợp chất rất khó chuyển hóa nếu bạn ăn quá nhiều. Kết hợp với sự tích tụ canxi trong các mô bạn rất dễ mắc bệnh sỏi thận nếu ăn uống không hợp lý. Sỏi thận hay sạn thận, sỏi đường tiết niệu là một hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi.

Sỏi thận là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến suy thận. Đối với những người bị sỏi thận sẽ làm cho đường tiết niệu bị kích thích dẫn đến co thắt, bóp chặt hòn sỏi làm cho đường tiểu bị tắc nghẽn. Hậu quả là nước tiểu không được đào thải ra ngoài mà ứ đọng lại gây nên các áp lực đột ngột ở vị trí đài và bể thận gây ra những cơ đau quặn cũng là một nguyên nhân gây bệnh thận ứ nước. Chưa kể, hàm lượng kali dồi dào trong cà chua có thể làm suy giảm chức năng của thận.

6. Khi bị bệnh viêm khớp

Bệnh viêm khớp là một thuật ngữ chung dùng để mô tả tình trạng viêm của các khớp xương trong cơ thể như thoái hóa khớp gối, cổ tay, cổ chân, vai… Căn bệnh này có thể làm cho sụn bị vỡ, gây đau, sưng và khiến người bệnh gặp những vấn đề di chuyển hay cử động khớp.

Do cà chua chứa solanine, chất kiềm gây tích tụ canxi trong các mô. Chất này tích tụ quá nhiều có thể gây viêm, đau và sưng ở khớp. Ngoài ra bạn cũng nên tránh ăn đồ chiên rán, thuốc lá, kẹo, phô mai, chất béo chuyển hóa, đồ uống có cồn.

cà chua
(Ảnh: Shutterstock)

7. Khi gặp các vấn đề về dạ dày

Cà chua chứa nhiều axit, ăn nhiều có thể gây trào ngược, ợ nóng. Cảm giác này ngày càng khó chịu hơn nếu bạn nằm hoặc cúi xuống ngay sau khi ăn. Người bệnh còn có thể kèm thêm ợ chua và ợ thức ăn – đó là lúc dịch dạ dày lên cao hết chiều dài thực quản kèm vị chua trong miệng. Khi có các triệu chứng nghi ngờ bị trào ngược dạ dày thực quản, nên nhanh chóng tới bệnh viện để thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán và tư vấn cách điều trị phù hợp.

Trào ngược dạ dày thực quản dễ gây ra viêm loét thực quản, nếu để nặng và kéo dài sẽ chuyển thành hẹp thực quản. Viêm loét thực quản cũng có thể gây chảy máu. Ngay cả ở những người khỏe mạnh, ăn quá nhiều cà chua hoặc nước sốt cà chua có thể gây cảm giác bỏng rát.

Minh Minh

Xem thêm: