Trứng vịt lộn là một trong những món ăn bình dân ở Việt Nam, được bán rong trong các quán ăn vỉa hè nên thường được khách du lịch biết đến như một món ăn đường phố tiêu biểu. Tuy cách chế biến có khác nhau một chút nhưng trứng vịt lộn cũng được ưa chuộng ở một số nước châu Á khác như Trung Quốc, Philippines và Campuchia.

Trứng vịt lộn
(Ảnh: Shutterstock)

Nhiều người có quan niệm rằng trứng vịt lộn có giá trị dinh dưỡng cao hơn trứng gà hoặc trứng vịt thông thường. Tuy vậy, xét trên một quả trứng thì giữa chúng chênh lệch nhau không đáng kể, xét tổng thể thì chúng có cùng giá trị dinh dưỡng. Trứng vịt lộn chứa rất nhiều chất béo có lợi cho sức khỏe và nhiều vitamin như A, B1, C, giúp bổ huyết, tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể dễ hấp thụ các dưỡng chất và phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, trứng vịt lộn có công hiệu dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể mau trưởng thành, cải thiện khả năng sinh lý.

Đây là món ăn bổ dưỡng, phù hợp với bà bầu, người gầy yếu muốn tăng cân và em bé đang phát triển. Tuy vậy mọi người nên dùng để ăn sáng thay vì ăn tối, vì đây là món ăn khó tiêu. Nếu ăn trứng vào buổi tối, bạn sẽ bị khó chịu, đầy hơi, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Người trưởng thành chỉ nên ăn 2 quả một tuần để tránh dư thừa lượng cholesterol (nguyên nhân sinh ra các bệnh như huyết áp cao, tiểu đường, gan nhiễm mỡ). Với bà bầu thì không nên ăn hai quả cùng một lúc, không ăn với rau răm, không ăn vào cuối thai kỳ.

Trứng vịt lộn
(Ảnh: Shutterstock)

Trẻ em dưới 5 tuổi không nên ăn nhiều bởi hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện. Trứng vịt lộn có rất nhiều protein, lipid, canxi, hệ tiêu hóa yếu ớt của trẻ không thể tiêu hóa được sẽ dẫn tới sình bụng, rối loạn tiêu hóa, rất có hại cho sức khỏe. Những người bị bệnh tim mạch, người mắc bệnh mỡ máu, người cao huyết áp, người mắc bệnh gan cũng không nên ăn. Nguyên nhân là do trong trứng vịt lộn có hàm lượng chất đạm và cholesterol cao (600mg/quả trứng), nếu ăn quá nhiều sẽ làm tăng cholesterol xấu trong máu gây hại cho tim mạch, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tắc nghẽn động mạch gây đột quỵ. Bên cạnh đó, lượng đạm lớn trong trứng vịt lộn sẽ kích thích sự tích tụ của mỡ trong máu và gan, khiến bệnh nặng thêm.

Nhiều người sau khi ăn xong trứng vịt lộn muốn uống ngay một tách trà để làm sạch và thơm miệng, thế nhưng trong lá trà lại có chứa axit tanic khi kết hợp với chất protein trong trứng sẽ gây khó tiêu hóa do nhu động ruột. Một lưu ý quan trọng khác là ăn hồng ngay sau khi ăn trứng vịt lộn là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và viêm dạ dày ruột cấp tính.

Minh Minh